Cuộc đàm phán diễn ra vào 10 giờ sáng tại ngôi làng đình chiến Panmunjon (Bàng Môn Điếm). Mặc dù chương trình nghị sự khá hẹp, chủ yếu về vấn đề thể thao, cuộc gặp vẫn được theo dõi chặt chẽ bởi các lãnh đạo thế giới do đây được xem là động thái giảm nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên bước vào cuộc đàm phán với quan điểm nghiêm túc và chân thành, trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Ri Son Gwon khẳng định: "Chúng tôi đến cuộc họp này với suy nghĩ, đem đến một kết quả giá trị như một món quà đầu tiên của năm mới". Người đồng cấp phía Hàn Quốc, Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung-gyon cũng hết sức lạc quan: “Tôi tin rằng bước đầu tiên là một nửa của hành trình”.
Kết thúc cuộc đàm phán, Triều Tiên cho biết, nước này sẽ cử đoàn tham dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang tháng tới, trong khi Seoul tuyên bố chuẩn bị dỡ bỏ tạm thời một số lệnh trừng phạt. Hai nước cũng đồng ý khôi phục đường dây liên lạc quân sự bắt đầu từ sáng nay (10/1), Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-sung cho biết.
Các quan chức Triều Tiên tại cuộc đàm phán chính thức đầu tiên với Hàn Quốc trong 2 năm cho biết, đoàn tham gia Thế vận hội sẽ bao gồm các vận động viên, quan chức cấp cao và một đội cổ động. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Roh Kyu-deok thông tin, Seoul sẽ cân nhắc các bước tiếp theo cùng với Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) và các nước liên quan khác để hỗ trợ Triều Tiên đến tham gia Thế vận hội.
Tại cuộc đàm phán, Seoul đã đề xuất tái hợp của các thành viên gia đình bị ly tán bởi chiến tranh vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, đề xuất sớm tái khởi động các cuộc đối thoại phi hạt nhân hóa chưa nhận được phản hồi từ Bình Nhưỡng. Phái đoàn Triều Tiên cũng không đề cập đến các kế hoạch cụ thể cho quan hệ liên Triều và chỉ tuyên bố rằng, sẵn sàng tạo ra cơ hội cho "cuộc đối thoại hiệu quả".
Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an lý giải, sở dĩ Bình Nhưỡng có quyết định ngồi vào bàn đàm phán là do những nghị quyết gần đây của LHQ đưa ra đối với Triều Tiên đã có tác dụng. LHQ đã đưa ra 8 lệnh cấm vận và các lệnh trừng phạt này đã gây khó khăn cho Triều Tiên. Vì vậy, trong lúc căng thẳng đang leo thang, động thái này có ý nghĩa như một cú “xì van” căng thẳng chính trị.
Mặc dù vậy, Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng cho rằng, khó kỳ vọng sẽ có bước đột phá sau cuộc đàm phán. Bởi nội dung cuộc đàm phán lần này chủ yếu xoay quanh việc Bình Nhưỡng cử đoàn tham gia Thế vận hội, cho phép các gia đình ly tán bởi chiến tranh Triều Tiên được tái hợp chứ hoàn toàn không bàn bạc về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Điều này cho thấy, Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ tham vọng về chương trình hạt nhân của mình. “Tuy nhiên, đây vẫn là một động thái đáng ủng hộ, khiến tình hình ở bán đảo Triều Tiên dễ chịu hơn”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.Cuộc đàm phán giữa 2 miền Triều Tiên đầu tiên sau 2 năm cắt đứt liên lạc diễn ra sau lời kêu gọi từ bài phát biểu dịp năm mới của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này vẫn tuyên bố có khả năng tấn công bất kỳ nơi nào trên lục địa Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Quan chức Mỹ và Nhật Bản vẫn tìm kiếm sự đảm bảo từ Seoul rằng, cuộc gặp sẽ không làm suy yếu lệnh trừng phạt của LHQ nhắm vào Bình Nhưỡng.