Kinhtedothi - Phản ánh đến báo Kinh tế & Đô thị, người dân tại khu phố Yên, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh bày tỏ bức xúc trước tình trạng lấn chiếm đất diễn ra tràn lan tại khu Đầm Và. Điều đáng nói, người dân đã nhiều lần gửi đơn lên chính quyền địa phương phản ánh những sai phạm, nhưng việc xử lý vẫn... dậm chân tại chỗ.
Dân tố lãnh đạo xã lấn chiếm đất
Đầm Và nằm sau tuyến phố Yên (xã Tiền Phong) có diện tích hàng chục héc ta. Tuy nhiên, đất tại khu vực này đang bị thu hẹp dần do bị các hộ dân san lấp, lấn chiếm. Đặc biệt, trong giai đoạn 2008 - 2012, tình trạng lấn chiếm diễn ra ồ ạt. Phía trước là nhà mặt đường buôn bán, phía sau các gia đình lấn đất xây công trình phụ, làm vườn...
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, hàng ngàn mét vuông đất Đầm Và đã "biến" thành vườn cây, công trình phụ dựng khung sắt, lợp tôn đua ra phía mặt nước. Trong đó, gia đình ông Ngô Duy Thanh (phố Yên, xã Tiền Phong) lấn gần 1.000m2 đất, hiện vẫn đang tiếp tục san lấp lấn đầm. Điều đáng nói, không chỉ các hộ dân đua nhau lấn đất đầm mà Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong (ông Hoàng Công Đáng) cũng bị người dân tố cáo lấn hàng trăm mét vuông đầm.
Tài liệu thu thập cho thấy, đối với hộ của gia đình ông Thanh, năm 1985, theo bản đồ đo vẽ xác định diện tích đất là 511m2, đến năm 1997 là 570m2. Trong khi đó, theo bản tự kê khai (lưu trữ tại UBND xã) do ông Thanh viết ngày 15/5/1976 diện tích đất là 360m2. Đến ngày 26/10/2011, theo kết quả đo đạc của Phòng TN&MT huyện Mê Linh, diện tích đất của hộ ông Thanh là 1.401,3m2… Với hộ gia đình ông Đáng, tại sổ bộ thuế sử dụng đất nông nghiệp - thuế nhà đất năm 1998 thể hiện đất ở gia đình ông là 100m2; đất ao, vườn là 140m2. Tuy nhiên, đến năm 2006, trong sổ bộ thuế sử dụng đất nông nghiệp - thuế nhà đất của gia đình ông Đáng con số này là 658m2 (?).
Chính quyền bất lực?
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: Việc các hộ gia đình tại phố Yên san lấp lấn chiếm Đầm Và diễn ra từ nhiều năm trước. Người dân có đơn kiến nghị, xã cũng đã phối hợp với Phòng TN&MT huyện thành lập đoàn kiểm tra và xử lý. Đến nay, không còn xảy ra tình trạng lấn chiếm mới.
Trả lời câu hỏi: Tại sao tình trạng san lấp, lấn chiếm Đầm Và diễn ra ồ ạt và kéo dài nhiều năm nhưng UBND xã lại không có biện pháp ngăn chặn, xử lý, ông Lê Văn Tuấn biện minh: "Do khu phố Yên nằm trên đường tỉnh lộ 301, Đầm Và lại nằm phía sau các hộ gia đình nên các hộ này đổ rác, đất lấn ra đầm từng ngày. Trong khi đó, khu đầm lại không có lối vào, nên gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Đối với diện tích đất của gia đình ông Đáng được xã cắm từ năm 1988 (đất được cắm cho bố đẻ của ông Đáng) với diện tích 240m2, sau đó, ông Đáng được bố để lại và xây nhà. Năm 2011, qua kiểm tra, đo đạc lại thì số diện tích đất của gia đình ông Đáng thừa ra 148,5m2 so với quy định. Hiện, gia đình ông Đáng đã tự tháo dỡ công trình vi phạm trên phần đất thừa… Còn hộ gia đình ông Ngô Duy Thanh, đến nay, căn cứ vào số liệu của đoàn kiểm tra, gia đình ông Thanh đang thừa so với quy định là 890,3m2.
Người dân cho rằng, với sự buông lỏng quản lý đất đai của UBND xã Tiền Phong chính là nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Nghiêm trọng hơn, diện tích đất đầm vẫn đứng trước nguy cơ tiếp tục bị lấn chiếm.
Hàng ngàn mét vuông đất Đầm Và bị các hộ dân lấn chiếm, san lấp làm vườn, xây công trình phụ.
|