Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO để mắt tới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một trong 46 hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong đợt này.

Kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (gọi tắt là Công ước 2003) đã khai mạc ngày 24/11 tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Paris, Pháp.

 
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO để mắt tới - Ảnh 1
Phát biểu tại lễ khai mạc Chủ tịch Jose Manuel Rodriguez Cuadros đánh giá cao các nước, cộng đồng trên thế giới thực thi tốt Công ước về bảo tồn văn hóa phi vật thể 2003 và coi đây là một cơ hội để đối thoại và hành động. Mọi quốc gia đều có thể khẳng định các quyền của mình theo Công ước 2003 để bảo tồn văn hóa và phát triển bền vững.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe các báo cáo định kỳ về tình trạng bảo tồn của các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và báo cáo của Ban Thư ký Ủy ban Liên chính phủ về các hoạt động giữa hai kỳ họp.

Đến nay, Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO đã nhận được 46 hồ sơ đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 8 hồ sơ đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, 4 hồ sơ đề nghị đưa vào Danh sách Thực tiễn bảo vệ tốt nhất và 2 hồ sơ đề nghị nhận tài trợ từ Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản của UNESCO.

Theo Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Chí Bền, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, hồ sơ Ví, Giặm đã đáp ứng các tiêu chuẩn mà UNESCO đặt ra cho danh sách các di sản đại diện của nhân loại, trong đó, giá trị nổi bật nhất của loại hình nghệ thuật này là sức sống và sức lan truyền trong cộng đồng xứ Nghệ.

"Giá trị là sức sống của di sản xuất hiện mọi nơi, mọi chỗ, mọi lúc, trong nhiều hoàn cảnh, từ hát ru con cho đến chài lưới trên sông nước... Đặc sắc là dân ca Ví, Giặm gắn bó với phương ngữ Nghệ Tĩnh như hình với bóng, khó có thể tách bạch. Đây chính là điểm đặc sắc khiến dân ca Ví, Giặm sống lâu đời với cộng đồng nhưng lại là điểm khó giúp loại hình này đi xa.

…Ở phương diện các tiêu chuẩn UNESCO vinh danh vào danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, thì dân ca Ví, Giặm có những giá trị có thể đáp ứng được các tiêu chí ấy."

Là một thành viên trong hội đồng lập hồ sơ dân ca Ví, Giặm, Giáo sư Nguyễn Chí Bền cho biết hồ sơ được hoàn thành trong 2 tháng từ cuối năm 2012 và đệ trình đúng thời hạn vào tháng 3/2013.