Dừng mua ô tô để chờ mua nhà Những ngày qua, anh Phạm Quang Minh (Từ Liêm – Hà Nội) liên tục nhờ các mối quan hệ để dò hỏi có dự án nào tới đây sẽ giảm giá “sốc” không. Bởi suốt nhiều tháng nay, gia đình anh Minh đang tìm kiếm một căn hộ trị giá khoảng 2 tỷ đồng tại khu vực ở quận Cầu Giấy hoặc Thanh Xuân nhưng chưa có kết quả. Anh Minh tâm sự: thực tế, không phải là không có căn hộ với giá 2 tỷ đồng trong địa bàn trên. Nhưng phần nhiều những dự án đó lại nằm quá xa trung tâm hoặc có nhiều dấu hiệu bất ổn. Còn một vài dự án ưng ý được thì phải qua khâu trung gian với giá mua chênh lên tới vài trăm triệu đồng… Do đó, anh Minh hi vọng, nếu đồng loạt các chủ đầu tư đều đại hạ giá như 2 dự án vừa qua thì chắc chắn gia đình anh sẽ có cơ hội để tìm được một căn hộ ưng ý.
Không chỉ có anh Minh, chị Nguyễn Thị Nga (Ba Đình – Hà Nội) cũng đang dập dình mua nhà. Nhưng ý tưởng tìm kiếm nhà của Nga mới chỉ nảy sinh sau khi có 2 dự án bất động sản lên tiếng đại hạ giá. Thực tế, số tiền mà gia đình chị Nga hiện tại đang có chưa đến 1 tỷ đồng và đang dự định dùng nó để mua xe ô tô. Nhưng vì chị cho rằng, cơ hội để mua nhà giảm giá “sốc” không phải lúc nào cũng đến. Và nếu giá giảm mạnh như một số dự án vừa rồi cộng với việc chủ đầu tư thực hiện thanh toán theo tiến độ thì chị sẽ mua được nhà. Do đó, chị Nga đã quyết định dừng mua ô tô để chờ cơ hội đầu tư căn hộ thứ hai. Theo ghi nhận của phóng viên, chờ thời cơ mua nhà đại hạ giá đang trở thành tâm lý có xu hướng phổ biến trong những ngày gần đây. Từ những nhà đầu tư chuyên nghiệp hay nhỏ lẻ cho đến những người dân đang thực sự có nhu cầu về nhà ở, tất cả đều đang nghe ngóng để chớp lấy cơ hội. Bên cạnh đó, không ít người đang đóng mua nhà và trả tiền theo tiến độ đã đánh tiếng với chủ đầu tư dự án hiện tại xem xét tới việc giảm giá căn hộ. Thậm chí một số người mới nộp tiền đặt cọc cũng đang cân nhắc lại xem có nên mua dự án đó không. Họ lý giải rằng: nếu mua được nhà đại hạ giá thì số tiền đặt cọc phải mất bây giờ cũng không thấm vào đâu…! Khởi đầu cho một đợt bán tháo BĐS tới Theo TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đây mới chỉ là sự khởi đầu, từ nay đến cuối năm và sang đến cả năm 2012, nhiều DN sẽ buộc phải hạ giá BĐS nữa nếu muốn tồn tại. “Các chủ đầu tư nào tinh nhanh thì càng nên đưa ra quyết định hạ giá bán sớm vì lúc này đây vẫn là chiêu thức còn lạ lẫm nên bán còn có người mua, chứ để đến lúc các đại gia BĐS đồng khởi hạ giá thì lúc ấy muốn bán cũng không bán được”, TS Liêm khuyến cáo. GS Đặng Hùng Võ cũng đồng ý với quan điểm của TS Phạm Sỹ Liêm khi cho rằng, việc hạ giá “sốc” của đây là bước khởi đầu cho một đợt bán tháo BĐS trong thời gian tới. Bong bóng BĐS đang xì hơi và giá BĐS đang trở về với giá trị thực. Theo GS Đặng Hùng Võ, việc chấp nhận giảm giá đến 30% của PVL cho thấy đây là một tín hiệu tốt, đưa giá nhà đất trở về gần với giá trị thực và người dân có thêm điều kiện để mua được nhà để ở. “Cần phải thấy đây là một hiện tượng hoàn toàn bình thường, theo đúng quy luật của thị trường. Trên thực tế, ngay cả khi bán với giá đã giảm đến 30%, tôi cho rằng các DN cũng chỉ là giảm lãi, chứ chưa đến mức lỗ. Mà cả một thời gian dài, DN đã kiếm lợi nhuận lớn trên thị trường BĐS, thì việc giảm lãi, thậm chí có bán hòa vốn một phần dự án cũng là việc bình thường, chấp nhận được”, GS Võ nhận xét. Một số chuyên gia cho rằng: sức ép thắt chặt tài chính và lãi suất cao trong suốt một thời gian dài khiến nhiều DN không chịu nổi. Do đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin về khả năng đại hạ giá BĐS sẽ trở thành hiệu ứng dây chuyền tới đây. Một hướng đi đúng và là một quá trình tất yếu sẽ diễn ra trên thị trường để hướng tới một thị trường lành mạnh hơn, giá cả hợp lý hơn và người tham gia chuyên nghiệp hơn.