Kinhtedothi - Thu nhập là một tiêu chí khó đạt trong 19 tiêu chí xây dựng NTM. Tuy nhiên, nhờ biết phát huy thế mạnh kinh tế của địa phương, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai đã sớm hoàn thành tiêu chí này, trở thành một trong những xã về đích sớm trong xây dựng NTM.
Phát huy tiềm năng làng nghề
Theo số liệu thống kê của xã Dân Hòa, hiện nay, toàn xã có khoảng 2.500 hộ làm nghề làm lồng chim, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Canh Hoạch và Tiên Lữ. Còn tại thôn Vũ Lăng có tới gần 400 hộ làm nghề sơn, tạc tượng. Đây là 2 nghề mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương, trung bình mỗi ngày cho thu lãi từ 150.000 – 200.000 đồng/người. Nhiều gia đình còn mạnh dạn đầu tư xây dựng xưởng, mua máy móc hiện đại và thành lập các nhóm hộ chuyên cung cấp nguyên liệu, sản xuất và thu mua sản phẩm. Hiện nay, lồng chim Dân Hòa được xuất đi khắp các tỉnh phía Bắc như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định... Đặc biệt, kể từ khi xã xây dựng thành công thương hiệu "Lồng chim cảnh Vác - xã Dân Hòa", đầu ra của sản phẩm khá thuận lợi. Nhờ đó, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 27,2 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 2%.
Song song với phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, xã Dân Hòa chú trọng việc đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Xã đã quy hoạch vùng sản xuất chuyên sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích 100ha trên giống lúa Bắc thơm số 7, Nếp 97 đem lại hiệu quả cao hơn cấy lúa Khang dân gấp 1,5 lần. Cùng với đó, xã đã chuyển đổi được vùng cấy lúa kém hiệu quả sang vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích 30ha, cho sản lượng trung bình đạt 100 tấn/năm, hiệu quả kinh tế cao hơn cấy lúa từ 3 – 4 lần.
Sản xuất lồng chim tại thôn Canh Hoạch, xã Dân Hòa.
|
Đa dạng kênh hỗ trợ cho nông dân
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Dân Hòa được Liên minh HTX TP đánh giá là một trong những HTX hoạt động hiệu quả (đạt 76/100 điểm). Không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho nông dân mà còn tích cực đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Để đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất và kịp thời phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân, ngay trong vụ Xuân 2015, HTX nông nghiệp đã đầu tư mua 2 máy Kubota 34 mã lực vừa hỗ trợ, vừa làm dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của bà con. Bên cạnh đó, xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân sản xuất nông nghiệp gắn liền với đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo đó, xã đã bố trí kinh phí hàng năm cho công tác bảo vệ thực vật, phòng chống dịch bệnh, cải tạo nâng cấp hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất và các biện pháp hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản cho người dân. Để tạo điều kiện cho nông dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã đã đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội TP cho nông dân vay vốn sản xuất. Tính đến hết năm 2014, tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đạt xấp xỉ 8.900 tỷ đồng, giải ngân ở nhiều chương trình, dự án.
Nhằm hướng tới sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế cao để tăng mức thu nhập cho nông dân, Dân Hòa đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hiện nay, trên địa bàn xã có 3.582/5.099 người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên. Trong 3 năm (từ năm 2012 – 2014), xã đã phối hợp với các ngành đoàn thể của huyện tổ chức được 9 lớp dạy nghề cho 750 lao động với các nghề: Trồng lúa chất lượng cao, trồng rau an toàn, nấu ăn, sản xuất lồng chim... Bí thư Đảng ủy xã Dân Hòa Nguyễn Huy Sỹ cho biết, mặc dù hiện nay, xã đã phát huy được lợi thế tiềm năng các nghề tiểu thủ công nghiệp, song xã đang gặp khó khăn do quỹ đất cho làng nghề phát triển còn hạn hẹp. Vì vậy, xã mong muốn được TP, huyện quan tâm, bố trí nguồn vốn để xã sớm hoàn thiện quy hoạch làng nghề, tạo điều kiện cho người dân mở rộng các xưởng sản xuất.