Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đăng ảnh con lên facebook: Ai sẽ phạt bố mẹ?

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Theo luật, trẻ vẫn sẽ cần người giám hộ khi đi tố cáo những hành vi phạm pháp, vậy nếu xử phạt bố mẹ, ai sẽ là người đứng ra giám hộ cho trẻ?

Luật Trẻ em ngay sau khi có hiệu lực đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Cụ thể luật quy định về Quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em như sau: “Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em” ( Điều 21).
Luật sẽ chữa bệnh thành tích của bố mẹ?
Thực tế có rất nhiều bố mẹ có thói quen “khoe” thành tích học tập, ảnh của con trên facebook, nhưng nếu chiếu theo quy định trong Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/6, hành vi này là vi phạm pháp luật nếu như chưa có sự đồng ý của trẻ hoặc người giám hộ của trẻ (với những trẻ dưới 7 tuổi).
Bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng đưa ra một điều luật riêng tôn trọng quyền của trẻ em là điều cần thiết. “Chúng ta vẫn nhầm tưởng rằng bố mẹ có quyền quyết định tất cả, nhưng thực ra trẻ em cũng có quyền riêng của các em”.
 Từ ngày 1/6, bố mẹ có thể bị phạt nếu tự ý đăng ảnh, thông tin cá nhân của con khi chưa được trẻ cho phép. (Ảnh minh họa)
"Việc bố mẹ khoe bảng điểm của con trên mạng xã hội thể hiện sự hãnh diện không có gì là sai. Nhưng nếu thực hiện không đúng dễ dẫn đến tình trạng phản giáo dục. Tại một số nước trên thế giới, bảng điểm, thành tích học tập của trẻ chỉ có chính các em, gia đình và nhà trường biết. Đương nhiên những thông tin này sẽ được giữ bí mật tuyệt đối", TS Lâm nói.
Cũng theo chuyên gia tâm lý giáo dục này, thành tích học tập của trẻ chưa mang tính bền vững, mới chỉ là nhất thời. Do đó việc động viên kịp thời, khích lệ tinh thần học tập của trẻ là quan trọng hơn cả; còn việc đưa lên trang mạng xã hội, nhiều người cùng tán dương sẽ dễ khiến trẻ ảo tưởng. Ngoài ra cũng không tránh khỏi những trường hợp trẻ bị so bì hơn thua với bạn bè đồng trang lứa trên mạng, do đó vô tình tạo áp lực cho trẻ.
TS Nguyễn Tùng Lâm khuyên rằng, thay vì tự ý khoe bảng điểm, thành tích học tập của con trên facebook, các bậc phụ huynh nên có những định hướng đúng đắn để trẻ biết tự biết cân nhắc đăng tải những gì các em muốn.
Ai sẽ phạt bố mẹ?
Ở góc độ pháp lý, Luật sư Lê Văn Luân, Văn phòng Hưng Đạo Thăng – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết ở Việt Nam, cũng đã có không ít vụ tội phạm bắt cóc trẻ em tìm được thông tin qua những gì mà các bậc phụ huynh chia sẻ trên facebook cá nhân. Vì thế, luật sư Luân cho rằng chủ trương bảo vệ trẻ em cũng như việc đặt ra các vấn đề về quyền trẻ em là hoàn toàn đúng đắn. Cha mẹ hay bất kỳ ai cũng không được xâm hại quyền riêng tư của trẻ em, điều này là hoàn toàn phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
Tuy nhiên, khi nhìn vào Luật Trẻ em của Việt Nam, luật sư Luân không khỏi băn khoăn: “So với nước ngoài chúng ta có những luật giống nhau, nhưng thực thi nó thế nào lại là chuyện khác. Quy định có thể là tốt, nhưng trong một hệ thống còn nhiều vấn đề bất cập, chưa đồng nhất thì không thể làm được”.
Luật sư Lê Văn Luân cho biết, luật đưa ra là như vậy, nhưng việc làm sao để xác định được hành vi vi phạm lại là điều không dễ: “Hiện tại khá khó để chứng minh rằng tài khoản đăng ảnh đó là của cha mẹ, như vậy xử lý hành vi đăng thông tin cá nhân của trẻ như thế nào khi còn rất khó lọc các facebook giả mạo”.
Đồng quan điểm với luật sư Luân, luật sư Trần Thu Nam, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng tỏ ra lo ngại về việc thực thi luật này. Luật sư Nam cho rằng, đến nay, Việt Nam vẫn không có quyền quản lý máy chủ facebook, do đó việc xác minh tài khoản người dùng không phải là điều đơn giản. Hơn nữa để xử lý các trường hợp sai phạm sẽ phải trải qua các bước phức tạp như ban hành nghị định hướng dẫn sau khi có luật, quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế xử phạt… và đương nhiên đòi hỏi một đội ngũ khá đông nhân lực.
Ngoài ra, theo luật sư Trần Thu Nam, một trong những vướng mắc mà luật này có thể gặp phải khi thi hành là phong tục tập quán. “Quan điểm giáo dục của người Việt là “thương cho roi cho vọt”, phải đe, đánh, giáo dục nghiêm khắc. Và từ trước đến nay cũng không có chuyện con đi tố cáo bố mẹ khi bị đánh. Như vậy ai xử lý bố mẹ? Đó là câu chuyện không khả thi”.
Vừa là một chuyên gia về pháp lý, đồng thời cũng là một phụ huynh, luật sư Nam cho rằng, nếu như ở nước ngoài, con cái có thể ngồi nói chuyện bình đẳng với bố mẹ như 2 người bạn, thì ở Việt Nam, việc chia sẻ thẳng thắn giữa bố mẹ và con cái còn rất nhiều hạn chế. Do vậy, nếu như quy định bố mẹ không được phép đọc nhật ký, tìm những thông tin riêng của con sẽ có nhiều bất cập, dẫn đến việc phụ huynh khó lòng hiểu được tâm sự của con.
Còn về việc xử lý vi phạm, luật sư Nam cho biết, theo luật không chỉ bố mẹ sẽ bị xử phạt khi vi phạm, mà bất cứ ai nếu xâm phạm vào quyền riêng tư của trẻ sẽ đều bị xử lý theo quy định. Song đây không phải là bài toán đơn giản, vì theo luật, khi trẻ em đi tố cáo vẫn cần người giám hộ, vậy nếu tố cáo bố mẹ, thì ai sẽ làm người giám hộ cho trẻ để đi tố cáo?
Tuy nhiên, luật sư Trần Thu Nam cũng cho rằng, một điều luật đưa ra không thể có tính khả thi ngay lập tức. Bên cạnh việc thực thi luật cũng cần đẩy mạnh việc truyền thông, phổ biến luật một cách sâu rộng để công chúng để mọi người hiểu và tự ý thức chấp hành luật.