KTĐT - Thông thường, những dự án bất động sản hạng sang như Indochina Plaza Hanoi phải nằm ở những quận trung tâm Hà Nội là Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng. Vì thế, câu hỏi đầu tiên đặt ra với chủ đầu tư Indochina Land khi quyết định xây dựng dự án này trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy là “Liệu một vị trí như vậy đã sẵn sàng cho một dự án hạng sang hay chưa?”.
Trước đó, câu hỏi tương tự cũng được đặt ra khi Indochina Land xây dựng Khu nghỉ dưỡng cao cấp The Nam Hải tại Quảng Nam vào năm 2006. Và không khó tìm câu trả lời khi trong 2 năm gần đây, dải bờ biển Đà Nẵng - Hội An đã có sự chuyển mình đáng kinh ngạc với nhiều dự án hạng sang mọc lên.
Ông Peter Ryder, Tổng Giám đốc Indochina Land, tin rằng, điều tương tự cũng sẽ xảy ra đối với quận Cầu Giấy và Indochina Plaza Hanoi sẽ là doanh nghiệp tiên phong trong xu hướng này.
“Bây giờ, người dân di chuyển từ khu vực Mỹ Đình vào trung tâm thành phố để đi làm, nhưng vài năm nữa, xu hướng có thể chuyển động ngược lại vì đã có những cơ quan hành chính, các dự án bất động sản thương mại đang được xây dựng ở Mỹ Đình. Nơi đây sẽ là một trung tâm đô thị mới của Hà Nội”, ông nói.
Khu vực Mỹ Đình mà ông Ryder đề cập không bó hẹp trong địa giới hành chính của xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, mà là một không gian rộng lớn hơn, bao gồm một phần của quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm, đặc biệt là các khu đất nằm bên các con đường chính Trần Duy Hưng - Láng - Hòa Lạc, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ - Lê Quang Đạo và Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu.
Trong mắt của các công ty tư vấn, các nhà đầu tư bất động sản, một trung tâm thành phố mới đang dần hiện hữu ở khu vực Mỹ Đình, song song với trung tâm thành phố hiện nay là quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Vì thế, nhiều nhà đầu tư bất động sản, trong đó có Indochina Land, đã kịp thời chen chân vào khu vực này để phát triển những dự án hạng sang không thua kém, thậm chí lớn hơn những dự án ở trung tâm hiện hữu.
Sức hút Mỹ Đình
Ông Matthew Powell, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của Công ty Tư vấn Bất động sản Savills Việt Nam, cũng đồng tình với nhận định của ông Ryder. Ông cho rằng, khu vực phía Tây Hà Nội đang hội tụ các yếu tố cần và đủ để xây dựng, phát triển và duy trì một trung tâm Hà Nội mới. Đây là khu vực có tốc độ phát triển nhanh với nhiều dự án, trong đó có các dự án trọng yếu của Chính phủ, các trung tâm thương mại lớn, khách sạn tiêu chuẩn quốc tế, khu giải trí, các dự án nhà ở cao tầng và cơ sở hạ tầng khá phát triển.
Khu vực Mỹ Đình đang đón nhận những công trình lớn của Chính phủ. Chẳng hạn, khu Liên hợp Thể thao Quốc gia đã hình thành với sân vận động quốc gia, cung thể thao dưới nước và nhà thi đấu trong nhà. Hiện nay, một loạt các nhà thi đấu cho các bộ môn đang được triển khai xây dựng. Một số công trình quan trọng khác là Trung tâm hội nghị quốc gia đã đi vào hoạt động, Bảo tàng Hà Nội đang được hoàn thiện. Mới đây, Chính phủ cũng đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đầu tư Trung tâm triển lãm quốc gia với diện tích lên đến 120 ha.
Điều thu hút sự chú ý hơn cả là việc Chính phủ và Thành phố Hà Nội xây dựng một số cơ quan hành chính quan trọng tại Mỹ Đình. Hiện nay, trụ sở của một số bộ ngành đã xây dựng xong phần thô là Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ. Trụ sở Bộ Ngoại giao cũng bắt đầu được xây dựng gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Một số dự án quan trọng cũng đã được đưa vào quy hoạch là khu liên cơ quan hành chính Hà Nội và tòa nhà văn phòng đại diện của 63 tỉnh thành.
Cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, một loạt các dự án bất động sản thương mại quy mô lớn đang hình thành tại Mỹ Đình. Tại đây, Trung tâm thương mại The Garden, Siêu thị Big C, Metro, Fivimart, các cao ốc văn phòng như CEO Tower, Viglacera, CMC Tower đã đi vào hoạt động. Các tổ hợp lớn đang hoàn thiện xây dựng phần thô, dự kiến sẽ khai trương vào cuối năm nay và trong năm tới là Keangnam Hanoi Landmark Tower, Grand Plaza, Crown Plaza. Ba dự án này sẽ cung cấp cho thị trường hơn 1.300 phòng khách sạn 5 sao, trên 160.000 m2 diện tích văn phòng và hơn 60.000 m2 diện tích bán lẻ.
Theo ước tính của Savills Việt Nam, trong giai đoạn 2010-2012, các quận trung tâm hiện hữu là Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng chỉ cung cấp khoảng 150.000 m2 diện tích văn phòng mới, trong khi con số ở khu vực trung tâm mới là quận Cầu Giấy và Từ Liêm sẽ lên đến 670.000 m2.
Trong lĩnh vực khách sạn có các dự án như JW Marriott (450 phòng), Times Square (200 phòng), Hoa Sen (700 phòng), Nam Cường (500 phòng), PetroVietnam (450 phòng). Trong những năm tiếp theo, diện tích sàn thương mại tại Mỹ Đình sẽ tăng lên nhanh chóng với sự tham gia của một số tổ hợp lớn. Đó là Tháp văn phòng Bitexco - Agribank (cao 55 tầng và 33 tầng), Tháp PVN (102 tầng), Tổ hợp Castle Plaza (10 tòa nhà căn hộ và văn phòng cao 40 tầng).
Giá nhà đất tại Mỹ Đình cũng lên đến mức cao không thua kém gì các dự án ở trung tâm hiện hữu. Căn hộ cao cấp ở khu vực này thường được chào bán với giá hơn 2.000 USD/m2; có dự án đến hơn 3.000 USD/m2. Thậm chí, đất ở vị trí đẹp được chào bán với giá từ 150-200 triệu đồng/m2.
Cần thêm yếu tố đủ
Sự hình thành các công trình công cộng, dự án bất động sản quy mô lớn mới đang dần tạo dựng hình hài cho một trung tâm đô thị mới tại Mỹ Đình. Nhưng để khu vực này thực sự trở thành một trung tâm mới, các trung tâm thương mại phải đông đúc hơn. Các khách sạn đi vào hoạt động cũng phải thu hút được khách thuê và có thêm nhiều công ty đặt văn phòng tại các cao ốc mới.
Theo ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Bất động sản CB Richard Ellis Việt Nam, các khách sạn ở Mỹ Đình sẽ phục vụ đối tượng chính là doanh nhân vì sẽ khó hấp dẫn khách du lịch như các khách sạn ở trung tâm hiện hữu. Các tòa nhà văn phòng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt do nguồn cung tại khu vực này sẽ tăng mạnh. Đó là chưa kể đến việc các tòa nhà này sẽ phải cạnh tranh với các cao ốc ở trung tâm hiện hữu.
Tuy nhiên, ông cho rằng, khu vực Mỹ Đình sẽ thu hút được những doanh nghiệp muốn thuê văn phòng có diện tích lớn hơn với giá thấp hơn khu vực Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, nhất là những công ty có kế hoạch đầu tư dài hạn ở Hà Nội.
Điều đó có nghĩa, để Mỹ Đình có thêm những yếu tố đủ này, sẽ mất thêm một vài năm nữa. Và hiệu quả hoạt động của các tổ hợp lớn như Keangnam, Grand Plaza và Crown Plaza (hoạt động vào cuối năm nay và trong năm tới) sẽ là thước đo để xem xét liệu Mỹ Đình có hội đủ yếu tố trở thành trung tâm đô thị mới của Hà Nội hay chưa.