Theo sử sách, năm Đinh Dậu (1837), Thăng Long - Hà Nội xảy ra một vụ cháy khủng khiếp, thiêu đốt hơn 1.400 ngôi nhà, làm nhiều người dân thiệt mạng và bị thương, hàng nghìn gia đình mất sạch cơ nghiệp.
Cùng với việc tăng cường tính chủ động phòng cháy chữa cháy, năm Mậu Tuất Minh Mệnh thứ 19 (1838), người dân đã lập ngôi đền thờ Hỏa Thần ở ngoài Cửa Đông thành Hà Nội thuộc địa phận thôn Yên Nội, Đông Thành, tổng Thuận Mỹ (tổng Tiền Túc cũ), huyện Thọ Xương (nay thuộc số nhà 30 phố Hàng Điếu, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm), để thờ Quang Hoa Mã Nguyên Súy (có tư liệu chép là Ngũ Hiển Hoa Quang Đại Đế), vị thần mà theo truyền thuyết có khả năng trừ hỏa tai.
Theo truyền thuyết, Quang Hoa Mã Nguyên Súy chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo, được nghe thuyết pháp tụng kinh nhiều và trở thành môn đệ Phật gia. Do tính “Hỏa” nên không giữ được nghiêm giới luật, phải xuống trần đầu thai vào nhà họ Phùng. Khi đắc đạo được về trời làm môn đệ của Ngọc Hoàng Thượng Đế, chuyên việc trừ hỏa tai và “Thần Hỏa” được coi là “Ông tổ nghề phòng cháy chữa cháy”.
Năm 1996, Đảng ủy - chính quyền phường, Ban Quản lý di tích và Nhân dân phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm vinh dự đón nhận Bằng công nhận "Di tích lịch sử văn hóa đền Hỏa Thần”. Năm 2019, Đền Hỏa Thần được UBND quận Hoàn Kiếm phê duyệt và tu bổ, tôn tạo khang trang như hiện nay.
Phát biểu khai mạc lễ dâng hương, Chủ tịch UBND phường Cửa Đông Nguyễn Thanh Thủy nhấn mạnh, Nhân dân và cán bộ phường Cửa Đông rất vinh dự và tự hào có một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia trên địa bàn phường, đặc biệt là Đền thờ Đức Hỏa Thần - ông tổ của phòng cháy chữa cháy duy nhất trong cả nước.
Trong những năm qua, phát huy truyền thống yêu nước, Nhân dân và cán bộ phường đã phát huy sức mạnh đoàn kết tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với 5 tiêu chí ứng xử của người dân khu phố cổ, góp phần xây dựng phường Cửa Đông giàu đẹp, văn minh.