Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đằng sau ánh hào quang

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại cuộc bỏ phiếu bầu chọn VĐV tiêu biểu của năm, người ta hồ hởi dồn phiếu cho cô gái vàng Phan Thị Hà Thanh. Nhiều người cho rằng, điều đó là xứng đáng. Và càng vui hơn khi hay tin, Hà Thanh được thành phố Hải Phòng cấp 90m2 đất làm nhà ở nội thành và được đặc cách vào biên chế.

Nếu bạn có con, bạn có cho theo theo nghiệp thể thao? Vinh quang đấy, nhưng có lẽ, bạn sẽ lựa chọn một giải pháp an toàn hơn là giữ con bên mình. Nghiệp thể thao quá vất vả và cả trăm, cả ngàn VĐV mới có được một người như Hà Thanh. Và để thành tài, một VĐV phải được đào tạo từ 6 - 7 tuổi.
 
Có nghĩa là, bạn phải xác định, xa rời con cái từ rất sớm và rất dài. Đó là chưa kể đến việc, con cái bạn sẽ không được đào tạo văn hóa một cách bài bản.Ở Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên hay những nước phát triển khác thì trở thành một VĐV đỉnh cao nghĩa là mở ra cánh cửa lớn để đổi đời.
 
Đằng sau ánh hào quang - Ảnh 1
 
VĐV Hà Thanh
 
VĐV giành thành tích cao sẽ được tặng nhà, tặng xe và được biệt đãi về cơ hội phát triển. Người ta bảo rằng, đó là sự bù đắp xứng đáng với những hy sinh của các VĐV thể thao.Còn ở ta thì sao? Những trường hợp vươn đến tầm châu lục và thế giới như Phan Thị Hà Thanh rất hiếm.
 
Thế nhưng, có một thực tế ai cũng phải thừa nhận là các VĐV đến với thể thao vì quá đam mê, hoặc không còn lựa chọn nào khác chứ thật hiếm có người tìm kiếm được cho mình cơ hội đổi đời.Vẫn biết rằng, đất nước ta còn nghèo, nên sự chăm lo cho các VĐV còn hạn chế.
 
Dù rằng, đối với những trường hợp đặc biệt như Hà Thanh, Bùi Thị Nhung, Vũ Bích Hường, Khánh Đoan…, một số địa phương đã dành sự biệt đãi về nhà, hay được vào biên chế của ngành. Nhưng sự biệt đãi đó là rất hãn hữu.
 
Thế mới có chuyện, ở một địa phương phía Nam, một VĐV phải đăng đàn vì lãnh đạo ngành thể thao không thực hiện lời hứa thưởng tiền, cho vào biên chế sau khi đã cống hiến rất nhiều cho địa phương. Tại đâu đó, một HLV tài năng phải đi quét rác, một VĐV phải đi cắt cỏ sau khi giã từ sự nghiệp.
 
Bây giờ, đã đến lúc những người làm thể thao phải thay đổi tư duy. Với những VĐV tài năng thì lời động viên suông thôi là chưa đủ. Hãy cho họ thấy một tương lai tươi sáng khi đã xả thân vì hai tiếng Việt Nam. Và, thật tuyệt vời nếu tạo cho họ một cơ chế để có thể tìm kế sinh nhai khi đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp thể thao. Có như vậy, các VĐV cũng như gia đình họ mới tự tin để dấn thân vào một hành trình đầy gian nan. Thay đổi tư duy chưa bao giờ là muộn.