Đằng sau mức tăng trưởng GDP kỷ lục của Trung Quốc

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc vừa báo cáo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 đạt 18,3%, tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm ngoái và ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1992. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức dự báo 19% được các nhà kinh tế đưa ra trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters (Anh).

Cảng container tại TP Giang Tô, Trung Quốc. Nguồn: Getty
Thống kê nói trên mở ra khả năng cao Trung Quốc sẽ vượt mức tăng trưởng mục tiêu hàng năm hơn 6% mà Chính phủ nước này đặt ra hồi đầu năm. Số liệu tăng trưởng cũng củng cố luận điểm của các nhà quan sát rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Trung Quốc và Mỹ sẽ trở thành động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu hậu đại dịch.
Khi Trung Quốc công bố mức tăng trưởng hai con số, các chuyên gia kinh tế lại đặt câu hỏi rằng liệu mức tăng trưởng ấn tượng đó có được phân bổ đồng đều đến các đối tượng như doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng hay không? Trên thực tế, phần lớn động lực tăng trưởng của Trung Quốc là từ xuất khẩu và chi tiêu chính phủ dành cho cơ sở hạ tầng. Nhu cầu toàn cầu về thiết bị điện tử như màn hình smartphone, máy tính, máy chơi game… mà Trung Quốc sản xuất đang tăng mạnh khi nhiều nước vẫn còn đang vật lộn ngăn chặn dịch Covid-19 và người dân phải làm việc từ xa.

Nhưng chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc vẫn phục hồi với tốc độ yếu ớt. Nguyên nhân chủ yếu là người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp, vẫn chưa tự tin mua sắm trở lại như thời điểm trước khi bùng phát đại dịch. Louis Kuijs - phụ trách bộ phận kinh tế châu Á tại Oxford Economics cho biết: “Việc áp đặt trở lại lệnh phong tỏa đã giúp Trung Quốc sớm kiểm soát được làn sóng tái bùng phát dịch Covid-19 hồi đầu năm. Nhưng điều này cũng hạn chế quá trình bình thường hóa nền kinh tế". Một phân tích của ông Kuijs về các khoản tiết kiệm hộ gia đình cho thấy tỷ lệ tiết kiệm đang tăng lên, đồng nghĩa người tiêu dùng Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng mạnh tay mua sắm sau nhiều tháng mắc kẹt với đại dịch.

Khác với các nền kinh tế phát triển như Mỹ, chính phủ Trung Quốc không trợ cấp trực tiếp cho người tiêu dùng để hạn chế ảnh hưởng của đại dịch. Thay vì phát tiền cho mỗi hộ gia đình, Trung Quốc hối thúc các ngân hàng quốc doanh tăng cường tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình. Chính sách này dẫn đến nợ cá nhân, hộ gia đình và nợ doanh nghiệp tăng vọt. Vì vậy, trong thời điểm hiện nay, họ đang phải tiết kiệm chi tiêu để trang trải các khoản nợ trên. Theo đánh giá của giới chuyên gia, con số tăng trưởng GDP 18,3% của Trung Quốc trong quý I chưa phản ánh được sự tăng trưởng không đồng đều của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong khi đó, một số nhà phân tích kinh tế nhận định rằng Trung Quốc khó có thể dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Theo số liệu mới nhất, trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn kỳ vọng là 35,5%. Larry Hu - nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Macquarie cho biết: "Việc Trung Quốc sớm kiểm soát được đại dịch và các nước tung gói kích thích lớn đã kéo nhu cầu hàng Trung Quốc lên cao. Tuy nhiên, cả hai yếu tố này sẽ dần mất đi trong năm nay, khi các nước tái mở cửa và người tiêu dùng chi vào dịch vụ nhiều hơn. Vì thế, tôi không cho rằng mức tăng trưởng hiện tại là bền vững".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần