Con vật nặng 500kg là một phần của một đàn lợn được lai tạo để trở thành lợn khổng lồ. Khi giết mổ, một số con lợn này có thể bán được hơn 10.000 NDT (1.399 USD) - gấp 3 lần so với mức thu nhập trung bình hàng tháng ở Nam Ninh.
Bất kể việc lai tạo này được xem là một động thái cực đoan của nông dân Trung Quốc trong thời gian nước này thiếu thịt lợn trầm trọng, ý tưởng rằng "to hơn là tốt hơn" có dấu hiệu lan rộng khắp Trung Quốc - thị trường tiêu thụ nhiều thịt lợn nhất thế giới.
Giá thịt lợn cao ở tỉnh Cát Lâm, phía Đông Bắc Trung Quốc cũng đang khiến nông dân nơi này quyết định nuôi lợn đạt trọng lượng trung bình từ 175 - 200kg, cao hơn trọng lượng bình thường là 125kg.
Trọng lượng trung bình của lợn khi giết mổ tại một số trang trại quy mô lớn đã tăng lên tới 140kg, so với khoảng 110kg thông thường. Điều này được cho có thể thúc đẩy lợi nhuận hơn 30%.
Với việc dịch lợn châu Phi đang tàn phá gần nửa đàn lợn của toàn Trung Quốc, theo một số ước tính, giá thịt lợn đã tăng vọt lên mức kỷ lục, khiến Bắc Kinh phải kêu gọi nông dân thúc đẩy sản xuất để kiềm chế lạm phát.
Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hồ Xuân Hoa cảnh báo, tình hình nguồn cung thịt lợn sẽ cực kỳ nghiêm trọng đến nửa đầu năm 2020. Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu 10 triệu tấn thịt lợn trong năm nay, nhiều hơn những gì có sẵn trong thương mại toàn cầu, nghĩa là nước này bắt buộc phải tăng sản lượng trong nước.
Tuy nhiên, nhiều nông dân Trung Quốc vẫn đang cảnh giác về việc tái nuôi lợn sau những thiệt hại do dịch bệnh trước đó. Ngoài ra, giá heo con và heo nái sinh sản đã tăng mạnh, khiến cho các trang trại nhỏ càng trở nên khó khăn để xây dựng lại một đàn gia súc từ đầu.
Chính vì vậy, tăng kích thước lợn mà họ đang sở hữu được xem là bước đi khả dụng nhất vào lúc này, bất kể những tiềm ẩn về chất lượng của những con lợn khổng lồ chưa được đánh giá kỹ lưỡng.