Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đằng sau vòng nguyệt quế

Khánh Vi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bước lên ngôi vô địch SEA Games lần thứ 5, các cô gái của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia không chỉ viết nên trang sử mới, mà còn khiến người ta khâm phục ý chí quật cường. Đằng sau vòng nguyệt quế, không chỉ là sự hy sinh nhan sắc, tuổi Xuân, mà còn là nghị lực sắt để vượt qua những thử thách.

 Niềm vui đội tuyển bóng đá nữ Việt nam
Dãi nắng, dầm mưa
Đến sân tập của đội tuyển nữ trong cái buốt giá, mưa phùn ngày cuối Đông. Nhìn từ xa, đội tuyển nữ chẳng khác mấy so với đội tuyển nam vì nhiều cầu thủ để tóc tém. Không giống như một vài môn thể thao được tập luyện trong nhà, chị em nữ đá bóng phải trần mình ngoài nắng, táp mặt vào mưa, chẳng khác gì các đồng nghiệp nam.

Tiết trời giáp Xuân mưa phùn nhiều, mồ hôi cùng nước mưa suốt gần 3 tiếng tập luyện khiến các nữ cầu thủ tập xong chỉ muốn lao ngay vào phòng tắm. Ngày hai buổi ướt đẫm thế cũng thành quen. Còn ngày nắng cháy da cũng vẫn phải tập luyện như thường. Vì thế dù có bôi kem chống nắng chỉ đỡ được phần nào, làn da mong manh con gái theo năm tháng đen sạm.

Nhìn các nữ cầu thủ nhỏ bé ấy, chẳng ai ngờ họ đã lần thứ 5 đại diện cho bóng đá nữ Việt Nam bước lên ngôi vô địch Đông Nam Á trong khi các đồng nghiệp nam, chỉ có một lần.

Vượt qua mất mát

Nói đến đội tuyển nữ hiện tại không thể không nhắc đến Nguyễn Thị Liễu - cô gái có vóc dáng nhỏ bé với nhiều đóng góp cho đội tuyển trong vai trò tiền đạo. Tại vòng loại ASIAN Cup 2014, trên đất Bahrain, sau khi ghi bàn thắng, hình ảnh cô gái mặc áo đỏ, quỳ xuống sân cỏ, ngước mắt lên khóc nấc khiến người chứng kiến không kìm nổi nước mắt. Khi đó mẹ Liễu mới qua đời được ít ngày và bàn thắng đó cô dành cho người mẹ cả đời hy sinh vì chị em cô.

Sinh ra đã không biết mặt cha, chỉ có mẹ tần tảo nuôi hai chị em khôn lớn. Ngay từ nhỏ Liễu đã tham gia đội bóng đá xóm và đôi chân trần của cô bé cứ hồn nhiên, mải miết trên mặt sân thường dùng để chăn trâu, thả bò. Đã bao lần Liễu bị đòn vì nấu cơm từ giữa buổi chiều để cuối buổi được đi đá bóng. Vậy nhưng Liễu vẫn mải miết chạy theo trái bóng cho đến khi tài năng được phát hiện, rồi lên đội tuyển tỉnh và đội tuyển quốc gia.

Khi sự nghiệp ở đội tuyển quốc gia bắt đầu đơm hoa kết trái thì mẹ Liễu qua đời vì ung thư. Nỗi đau quá lớn, nhưng vì giáp ngày lên đường dự vòng loại ASIAN Cup 2014, nên Liễu chỉ xin nghỉ vài ngày chịu tang mẹ. Giọt nước mắt trên đất Bahrain như lời cầu nguyện cô dành cho mẹ. “Đã có lúc tôi muốn dừng lại để giống như bao người phụ nữ khác, được vun đắp cho gia đình nhỏ của mình, nhưng rồi không được…” - Liễu nói giọng nghẹn ngào.
Trước khi mẹ mất, bà đã tạm yên tâm vì Liễu đã lên xe hoa với một người, nhưng tiếc là cuộc hôn nhân đổ vỡ. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, nhưng không làm gục ngã cô gái luôn biết vượt qua hoàn cảnh, vươn lên thành tuyển thủ nổi tiếng của bóng đá nữ.
 Cầu thủ Nguyễn Thị Liễu
Thi đấu để lấy tiền chữa bệnh cho mẹ

Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng khi vào đội đều thương nhau như chị em ruột. Nguyễn Thị Xuyến cũng vậy. Mấy ai biết cô gái với mái tóc tém cá tính, lại rất ngại tiếp xúc với báo chí. Cũng chẳng mấy người biết, đôi chân Xuyến là “cần câu cơm” cho một gia đình nhiều khó nhọc. Xuyến luôn là người cần mẫn nhất vì chừng nào còn được ra sân, chừng đó cô còn dành được những đồng lương gửi về quê. Tết này Xuyến cũng về nhà để ước sang năm mới, dù đã bước qua tuổi 30, cô vẫn chạy tốt để tiếp tục giảm được nỗi lo cơm áo trên vai người thân.

Còn với Trần Thị Thùy Trang, bóng đá mang theo mơ ước có thêm tiền để chữa bệnh cho mẹ. Sinh ra trong gia đình tới 9 người con ở Quảng Nam, cha mẹ Trang đã lớn tuổi. Mẹ cô đang điều trị căn bệnh ung thư quái ác. Khi đi xa, nghĩ đến mẹ đang nằm trên giường bệnh, má hóp lại, đầu không sợi tóc, Trang lại nuốt nước mắt vào trong, cố thi đấu để cùng đội tuyển đoạt huy chương và gom tiền thưởng chữa bệnh cho mẹ.

Quan tâm đến học trò từ cái nhỏ nhất

Chuyện đội tuyển nữ với lực lượng không quá mạnh mà vô địch SEA Games, phần lớn nhờ vào tài cầm quân của HLV Mai Đức Chung. Nói về ông, đến cảvị chuyên gia khó tính như ông Nguyễn Văn Vinh cũng phải thốt lên: “Cả nước chỉ có một mình ông Mai Đức Chung”.

Ông Chung “xe ca” xuất thân từ cầu thủ Tổng cục Đường sắt, sau về Ủy ban TDTT làm Trưởng bộ môn Bóng đá. Bước ngoặt trong sự nghiệp huấn luyện của ông bắt đầu năm 1997 khi được mời dẫn dắt đội tuyển nữ. Ngay ở lần đầu đó, ông đã giúp đội có HCĐ SEA Games. Tính đến nay ông đã 3 lần bước lên ngôi vô địch SEA Games cùng đội tuyển nữ, vào các năm 2003, 2005 và 2017.

Khác với các HLV ở đội tuyển nam, các HLV ở đội tuyển nữ phải rất tỉ mẩn và tinh tế. Chẳng hạn trong đợt tập huấn chuẩn bị cho SEA Games vừa rồi, có một buổi tập, HLV Mai Đức Chung quan sát thấy một nữ cầu thủ dáng vẻ bồn chồn. Nhẹ nhàng hỏi han, ông mới biết ngày mai là giỗ đầu mẹ cô và cô muốn xin về quê thắp hương cho mẹ.
HLV nhẹ nhàng: “Sao cháu không nói sớm với bác và Ban huấn luyện. Thôi chiều nay cháu về quê đi cho kịp”. Rồi hàng tháng cầu thủ nữ nào cũng đến kỳ… “đèn đỏ”. Dù ngại không nói ra, HLV phải nắm bắt và cho các em nghỉ ít nhất một ngày...

Nhiều em trong đội tuyển nữ có hoàn cảnh rất khó khăn, nên nếu không quan tâm đến những chi tiết tưởng chừng như nhỏ nhặt ấy, rất khó làm công tác tư tưởng cho các em. Và trong số các HLV, chỉ có ông Chung lập được kỳ tích 3 lần bước lên ngôi vô địch cùng đội tuyển nữ và đó cũng là lý do để người ta “ngả mũ” trước vị HLV đặc biệt này.q