Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đánh bom hàng loạt, gần 200 người thương vong

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giới chức Iraq cho biết ngày 15/4, đã có ít nhất 27 người thiệt mạng và 165 người bị thương trong một loạt vụ đánh bom xe trong giờ cao điểm tại nhiều khu vực trên khắp nước này.

Đây là làn sóng bạo lực mới nhất xảy ra ở Iraq chỉ vài ngày trước khi Baghdad tiến hành cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ năm 2010.
 
Đánh bom hàng loạt, gần 200 người thương vong - Ảnh 1
Hiện trường một vụ đánh bom Baghdad.
 
Theo các quan chức an ninh và y tế Iraq, tổng cộng 14 quả bom xe và ba quả bom cài bên đường đã phát nổ tại 7 thành phố.
 
Riêng ở thủ đô Baghdad, bảy quả bom cài trên xe phát nổ trong giờ cao điểm đã cướp đi sinh mạng của 10 người và làm 50 người bị thương.
 
Tại miền Bắc Iraq, ba quả bom đã phát nổ chỉ cách nhau vài phút tại thành phố Tuz-Khurmato, cách Baghdad 175km về phía Bắc, làm sáu người thiệt mạng và 60 người bị thương.
 
Còn tại Kicúc (Kirkuk), khu vực nhiều dầu mỏ cách Baghdad 250km, ít nhất chín người cũng đã thiệt mạng và 14 người bị thương khi ba quả bom xe phát nổ, làm rung chuyển thành phố.
 
Ngoài ra, các vụ đánh bom xe còn xảy ra tại thành phố miền Tây Fallujah và một số thị trấn phía Nam, trong đó có Nasiriyah, cách thủ đô Baghdad 300km, khiến ít nhất ai người thiệt mạng và nhiều bị thương.
 
Hiện chưa có tổ chức nào nhận gây ra loạt vụ tấn công đẫm máu trên, song từ trước tới nay, các cuộc tấn công như vậy thường do nhánh al-Qaeda tại Iraq tiến hành.
 
Theo kế hoạch, Iraq sẽ tiến hành cuộc bầu cử hội đồng địa phương vào ngày 20/4 tới. Đây được xem là "thuốc thử" cho cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra vào năm 2014, qua đó đánh giá tương quan giữa Thủ tướng Nuri al-Maliki và các đối thủ.
 
Khoảng 8.000 ứng cử viên tham gia cuộc đua vào 450 ghế hội đồng các tỉnh và có khoảng 16,2 triệu cử tri sẽ tham gia bỏ phiếu, không bao gồm cử tri tại ba khu vực của người Kurk và hai tỉnh Anbar, Nineveh có đông người Sunni sinh sống.
 
Chính phủ Iraq đã quyết định hoãn cuộc bầu cử tại hai tỉnh này do những lo ngại về an ninh.
 
Quyết định đó càng làm gia tăng bất bình trong cộng đồng người Sunni vốn cho rằng họ bị chính phủ do người Shiite nắm giữ phân biệt đối xử và gạt ra ngoài lề.