Điều này không chỉ gây nên sự lãng phí, khiến nhiều người dân cảm thấy bức xúc mà còn làm gia tăng tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT).
Những cổng trường không an toàn
Đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) tập trung rất nhiều cơ sở giáo dục như ĐHQG Hà Nội, Học viện Báo chí - Tuyên truyền, ĐH Sư phạm Hà Nội... Vào giờ tan tầm, hàng trăm lượt học sinh, sinh viên tỏa ra từ các cổng trường, rồi thản nhiên băng cắt qua đường để chờ đón xe buýt. Cách đó không xa, trên trục đường Hồ Tùng Mậu - Nhổn, phía trước cổng trường ĐH Thương mại và Cao đẳng Múa Việt Nam, mỗi khi tan trường, cũng có rất đông sinh viên phải đi bộ qua đường. Những bước đi chậm rãi; những ánh nhìn xen lẫn âu lo hiện rõ trên khuôn mặt những cô cậu sinh viên. Chốc chốc lại có người phải giật mình thảng thốt, bước vội để né chiếc xe đang di chuyển với tốc độ cao. Tình trạng tương tự cũng có thể dễ dàng bắt gặp tại khu vực tập trung đông các trường ĐH, CĐ nằm dọc đường Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Quốc lộ 32...
Dương Thị Trang, sinh viên năm thứ 4, Khoa Tâm lý học (trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) cho biết: "Em đi học bằng xe buýt nên mỗi khi tan trường đều phải sang đường để bắt xe. Không có lối đi riêng, cũng không có đèn dừng. Cầu vượt thì ở xa quá nên đành đi bộ qua đường...".
Bên cạnh các cơ sở giáo dục, những tuyến đường kể trên cũng tập trung rất nhiều chợ, siêu thị, nhà hàng... Mật độ người và phương tiện qua lại lớn. Dù biết là rất nguy hiểm, nhưng vì không có lựa chọn nên mỗi khi muốn sang đường, người đi bộ buộc phải "đánh cược sinh mệnh" với vận may của bản thân. Nhiều người thậm chí phải sử dụng "giải pháp tình thế" là chờ cho tới khi đông người để cùng sang cho... đỡ sợ! Thực tế, đã có không ít vụ tai nạn nghiêm trọng xảy đến với người đi bộ trên các tuyến đường Nguyễn Trãi, Quốc lộ 32,... khi các chủ phương tiện thiếu tập trung khi đi đường.
Để người đi bộ được an toàn
Theo tìm hiểu, trước đây tại khu vực đường Xuân Thủy và Nguyễn Trãi có hệ thống đèn dừng sang đường cho người đi bộ. Tuy nhiên, hệ thống này đã hỏng hóc từ lâu nhưng không hiểu vì sao vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa. Trong khi đó trên Quốc lộ 32 (hướng Hồ Tùng Mậu - Nhổn), 4 dự án hầm đi bộ cũng đang trong tình trạng dở dang. Hầm đi bộ cũ chưa xây dựng xong đã có dự án mới "đẻ ra". Điều đáng nói, tại khu vực chợ Cầu Diễn, chỉ cách nhau chừng 100m nhưng có tới 2 dự án hầm đi bộ. Cùng với việc chậm trễ trong thi công, nhiều vị trí của hầm đi bộ thi công dang dở đã bị người dân tự ý căng phông bạt làm điểm bán trà nước, dán tờ rơi, poster quảng cáo rao vặt. Phía dưới hầm đi bộ cũng ngổn ngang rác thải...
Cũng theo ghi nhận của phóng viên, cầu vượt đi bộ trên đường Nguyễn Trãi được bố trí khá xa (từ 300 - 500m) so với khu vực tập trung nhiều trường ĐH, CĐ. Thực tế, nếu người đi bộ chọn băng qua đường Nguyễn Trãi chỉ mất chưa tới 5 phút, trong khi bách bộ để đi cầu vượt phải mất tới 15 - 20 phút. Điều này khiến người đi bộ dễ nảy sinh tâm lý "e ngại", từ đó "bất chấp" nguy hiểm để băng cắt qua đường.
Thiếu úy Nguyễn Tiến Đông - Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho rằng, thực tế việc bỏ hệ thống đèn dừng cho người đi bộ trên tuyến Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu đã góp phần giảm ùn tắc do lưu thông không bị ngắt quãng. Tuy nhiên, không có đèn dừng, việc qua đường của người đi bộ trên tuyến đường này thực sự không an toàn. Trong thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội nên tính toán tới việc xây dựng thêm, cũng như bố trí hợp lý các hầm đi bộ hoặc cầu vượt trên các tuyến đường lớn như Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Trãi...
Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội cũng cần làm rõ những vướng mắc hiện nay nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án hầm đi bộ trên Quốc lộ 32. Đây sẽ là những giải pháp căn cơ, mang tính lâu dài, không chỉ góp phần đảm bảoATGT cho người đi bộ mà còn phục vụ cho nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông chung của TP trong tương lai.
Xây dựng cầu đi bộ cho người dân để tránh tai nạn, ùn tắc giao thông. Trong ảnh: Cầu vượt đi bộ trên phố Trần Duy Hưng. Ảnh: Thanh Hải
|
Quy hoạch còn nhiều bất cập Việc hạ tầng cho người đi bộ chưa phát huy hết hiệu quả có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi cộm là những hạn chế trong quá trình nghiên cứu, lập dự án. Việc xây dựng các cây cầu vượt, hầm cho người đi bộ tại nhiều vị trí chưa hợp lý, nơi cần như đường Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu thì không có, trong khi một số cầu vượt, hầm cho người đi bộ xây xong phải phá bỏ hoặc "bỏ không" như trên đường Trần Khát Chân, Nguyễn Chí Thanh, Khuất Duy Tiến... Thiết kế cầu vượt và hầm đi bộ quá phức tạp, đôi khi giống như một "mê cung" khiến người dân rất dễ... bị lạc (ví như hầm đi bộ tại Ngã Tư Sở); vị trí bố trí thiếu hợp lý gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, từ đó nảy sinh tâm lý "e ngại". Chỉ khi hạ tầng đáp ứng được nhu cầu, mang tới sự thuận tiện cho việc đi lại, ý thức chấp hành luật của người dân và tình trạng mất ATGT mới hy vọng có sự chuyển biến tích cực. TS Nguyễn Xuân Thủy Nguyên Giám đốc NXB Giao thông Vận tải |