Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đánh giá cao việc giao đất hoang của Cuba

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhà lãnh đạo Cuba từng nhiều lần nhấn mạnh sản xuất lương thực là một trong những ưu tiên chiến lược của quốc đảo vùng Caribe này. Hiện nay Cuba phải nhập khẩu hàng năm 80% lượng lương thực thực phẩm tiêu thụ trong nước với khoản chi phí lên tới 1,5 tỷ USD.

Ngày 8/11, Tổ chức Lương Nông của Liên hợp quốc (FAO) đã đánh giá cao chính sách chia đất hoang cho nông dân để thúc đẩy sản xuất lương thực mà Chính phủ Cuba đưa vào áp dụng từ cách đây 3 năm.

Trả lời phỏng vấn báo Granma, Giám đốc FAO tại Cuba, ông Marcio Porto nhấn mạnh quyết định giao đất hoang cho nông dân là một kinh nghiệm quý báu không chỉ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp mà còn đảo ngược xu hướng di cư từ nông thôn về thành thị đang thịnh hành hiện nay.

Ông Porto cho biết FAO đang phát triển 29 dự án hợp tác với Cuba với kết quả ban đầu rất khả quan và hy vọng sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho nhân dân Cuba.

Ông Porto đánh giá tích cực triển vọng của ngành nông nghiệp Cuba bất chấp những khó khăn về trang thiết bị và nguyên liệu, đồng thời kêu gọi ngành nông nghiệp nước này nỗ lực tăng năng suất, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu những tác động xấu đối với môi trường.

Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã chủ trương giao đất hoang cho nông dân tự canh tác, kết hợp với một số chính sách khuyến nông khác, hướng tới mục tiêu tự cung cấp lương thực.

Nhà lãnh đạo Cuba từng nhiều lần nhấn mạnh sản xuất lương thực là một trong những ưu tiên chiến lược của quốc đảo vùng Caribe này. Hiện nay Cuba phải nhập khẩu hàng năm 80% lượng lương thực thực phẩm tiêu thụ trong nước với khoản chi phí lên tới 1,5 tỷ USD.

Theo thống kê chính thức, đến năm 2007 Cuba có khoảng 6,6 triệu ha diện tích đất nông nghiệp, tuy nhiên chỉ có khoảng 3 triệu ha được đưa vào canh tác.

Sau khi chính sách giao đất hoang được thực thi từ năm 2008, đến nay đã có 1,3 triệu ha đất được chia cho nông dân, trong đó 79,2% đã được đưa vào canh tác.