Đánh giá rủi ro trượt đất trong ngành giao thông vận tải

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/10, tại Hà Nội, cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức Hội thảo tổng kết và phổ biến Dự án phát triển công nghệ đánh giá rủi ro trượt đất dọc theo các tuyến huyết mạch giao thông ở Việt Nam nhằm chia sẻ kinh nghiệm đánh giá rủi ro trượt đất và các kết quả của Dự án.

Dự án này nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác “Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Phát triển Bền vững” (SATREPS) giữa Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tổ chức Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST). Dự án được triển khai từ tháng 11/2011 và sẽ kết thúc vào tháng 11/2016.

 Bản đồ các vị trí trượt đất được lập nên giúp cảnh báo sớm, giảm thiệt hại cho ngành Giao thông trong mùa mưa bão.

Trong khuôn khổ của Dự án, các nhóm chuyên gia của Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải (ITST) Việt Nam và Tổ chức Trượt đất Quốc tế (ICL) Nhật Bản cùng thực hiện các hoạt động hợp tác nghiên cứu, bao gồm thu thập dữ liệu từ các điểm trượt đất, lập bản đồ rủi ro trượt đất và thông tin vệ tinh, quan trắc trượt đất, thí nghiệm và phân tích mô phỏng trượt đất trong phòng thí nghiệm… Một trong những kết quả quan trọng nhất của Dự án được trình bày tại hội thảo là Bộ hướng dẫn kỹ thuật đã được trình lên Bộ GTVT để xem xét phê duyệt làm Bộ Hướng dẫn Kỹ thuật về trượt đất cấp quốc gia. Dự án đặt nhiều kỳ vọng Bộ hướng dẫn này sẽ trở thành tiêu chuẩn Việt Nam về đánh giá rủi ro trượt đất trong ngành giao thông vận tải.

Cũng nằm trong loạt chương trình tổng kết Dự án, ngày 12/10 tại ITST, Hà Nội, đã diễn ra buổi tham quan các phòng thí nghiệm và mô hình mô phỏng trượt đất được xây dựng trong khuôn khổ dự án, dành cho các đơn vị, cá nhân có quan tâm đến hoạt động của dự án. Tại đây, khách tham quan có thể xem thí nghiệm máng trượt đất mô phỏng mưa nhân tạo lần 5 với mẫu đất Hải Vân, các thiết bị quan trắc cảnh báo trượt đất khu vực đèo Hải Vân và các thiết bị thí nghiệm đất. Hệ thống thiết bị mô phỏng trượt đất do JICA tài trợ được kỳ vọng sẽ đóng góp vào sự phát triển công nghệ mới về quan trắc và cảnh báo dịch chuyển đất cũng như hệ thống cảnh báo sớm nói riêng và công tác ứng phó với thảm họa trượt đất nói chung.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần