Danh hài Hoài Linh “chậm trễ” tiền từ thiện: Lỗ hổng pháp luật liên quan cá nhân kêu gọi từ thiện

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc danh hài Hoài Linh “quên” gần 14 tỷ đồng trong tài khoản 6 tháng sau khi kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp làm từ thiện trên mạng xã hội đã đặt ra nhiều vấn đề về việc làm từ thiện.

Từ thiện là hành động, nghĩa cử cao đẹp

Việc từ thiện vốn dĩ là một hành động, nghĩa cử cao đẹp của người dân Việt Nam, trên cơ sở “lá lành đùm lá rách”, “một nắm khi đói bằng một gói khi no” nhằm giúp đỡ người dân không may gặp hoạn nạn, rơi vào tình cảnh khó khăn, éo le... Năm 2020, đồng bào miền Trung đã phải chống chọi với bão lũ, sạt lở đất liên tục với rất nhiều thiệt hại về tài sản, tính mạng, kinh tế của người dân.

Chính vì thế, rất nhiều “mạnh thường quân” đã tài trợ, góp sức, ủng hộ bà con trong lúc khó khăn để giảm bớt thiệt hại và ổn định cuộc sống. Nếu như việc giúp đỡ bà con vũng lũ được diễn ra kịp thời, nhanh chóng, đúng lúc thì có ý nghĩa tích cực, giúp bà con, người dân phần nào vơi đi được khó khăn, vất vả.

Vụ việc danh hài Hoài Linh “quên” gần 14 tỷ đồng trong tài khoản 6 tháng sau khi kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp làm từ thiện trên mạng xã hội đã đặt ra nhiều vấn đề về việc làm từ thiện.

Tuy nhiên, qua vụ việc danh hài Hoài Linh “quên” gần 14 tỷ đồng trong tài khoản 6 tháng sau khi kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp làm từ thiện trên mạng xã hội đã đặt ra nhiều vấn đề về việc làm từ thiện, cũng như cần thiết phải có quy định, cơ chế, cách thức quản lý chặt chẽ bằng các quy định, văn bản cụ thể, sát với thực tế để công tác này bảo đảm đúng ý nghĩa nhân văn và các quy định của pháp luật.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, với hành động chậm trễ, quên sử dụng số tiền đã quyên góp, người dân vùng lũ không được kịp thời giúp đỡ lúc khó khăn. Bên cạnh đó, niềm tin của những mạnh thường quân chuyển tiền cho Hoài Linh bị coi thường.

Bởi lẽ trong cái tâm của các mạnh thường quân mong muốn thông qua Hoài Linh để gửi tấm lòng, tình cảm và một chút vật chất để giúp đỡ bà con đang gặp nguy nan. Tấm lòng, tình cảm của họ không những không được chuyển đến người dân ngay mà đang bị Hoài Linh giữ tận 6 tháng. Lúc này lũ lụt đã đi qua, người dân đã ổn định được cuộc sống, số tiền lúc này dù có chuyển đến cho người dân cũng không biết chuyển cho ai? Đây cũng có thể coi là sự bội tín, gây ảnh hưởng cho chính người dân vùng lũ đáng lẽ được trợ giúp kinh tế.

Lỗ hổng pháp luật liên quan công tác từ thiện

Theo luật sư Nguyễn Ngọc, khi vụ việc bị phát giác, chúng ta thấy rõ lỗ hổng pháp luật liên quan công tác từ thiện, khi không có bất cứ cơ quan, tổ chức nào giám sát việc kêu gọi, làm từ thiện của một số cá nhân, tổ chức tự kêu gọi giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.

Số tiền ở đây là rất lớn, gần 14 tỷ đồng, dù nói ở khía cạnh nào đi nữa, hành động bội tín, chậm thực hiện hành động hỗ trợ bà con miền Trung trong cơn bão, lũ năm 2020 đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng về niềm tin, cơ hội được tiếp cận nguồn tài trợ để giảm thiểu khó khăn của hàng nghìn hộ dân và hàng nghìn mạnh thường quân, nhà tài trợ.

Chúng ta không vì trường hợp Hoài Linh là người có ảnh hưởng trong giới showbiz, người nổi tiếng mà gây ảnh hưởng đến vấn đề làm từ thiện mà Đảng, Nhà nước và các cơ quan đoàn thể đang cố gắng xây dựng hình ảnh, kêu gọi các mạnh thường quân tài trợ giúp đỡ người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách.

“Qua vụ việc này, chúng ta cũng thấy rõ lỗ hổng pháp luật, việc quản lý chưa chặt chẽ hành vi kêu gọi từ thiện tự phát của cá nhân. Chúng ta phải có cơ chế, quy định pháp luật rõ ràng, kiểm soát chặt chẽ, vừa khuyến khích các cá nhân, tổ chức làm từ thiện nhưng cũng phải thực hiện trong khuôn khổ pháp luật” - luật sư Nguyễn Ngọc chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần