Đánh thức không gian cũ

Chi Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang lên kế hoạch chỉnh trang khu vực Hồ Văn, cũng như phục dựng các kiến trúc từng có trên gò Kim Châu ở giữa hồ. Có nghĩa, một phần quan trọng của quần thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang đứng trước cơ hội được đánh thức.

Hiện trạng của Hồ Văn có gì đó giống với hồ Ba Mẫu và Công viên Thống Nhất nằm gần đó. Hồ biệt lập với cộng đồng xung quanh, tự “trói” mình bằng rào kín và gặp hàng loạt vấn đề về khả năng kết nối. Đáng nói nhất, cả 2 không gian ấy đều từng có một vị trí quan trọng trong lịch sử Hà Nội, nhưng đã bị mất đi vị thế của mình.

Hà Nội hàng chục năm qua vẫn chỉ có một Hồ Gươm mặc định được coi là trung tâm của mọi sự kiện lịch sử và văn hóa. Và dù TP đã được mở rộng ra hàng chục lần so với đầu thế kỷ XX, chúng ta vẫn chưa thể giải được một bài toán cần thiết: Xây dựng một “Hồ Gươm thứ hai”, ít nhất ở vai trò làm vệ tinh và giảm tải cho không gian này. Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Công viên Thống Nhất rồi quần thể Hồ Tây… những địa điểm ấy đều đã được nhắc tới. Và thực tế, đều chưa có một sức hút đúng với vai trò của nó cho tới thời điểm này.

Cần nhắc lại, cho đến cuối thế kỷ XIX, Hồ Gươm vẫn chỉ là một hồ nước cạnh khu Kẻ Chợ và nằm cách xa với khu vực Hoàng Thành cũ - trung tâm chính trị của Hà Nội bấy giờ. Chính bàn tay quy hoạch của người Pháp khi xây dựng Hà Nội hiện đại đã từng bước biến hồ nước ấy thành không gian trung tâm của một TP mới trong thế kỷ XX. Có nghĩa, ngoài những yếu tố lịch sử, đây còn là câu chuyện của quy hoạch đô thị, của sự sắp xếp và phát triển có chủ ý.

Trong hàng chục cuộc hội thảo về vấn đề này, các chuyên gia đã chỉ rõ: Để có những không gian văn hóa đặc thù đủ sức thu hút cộng đồng, không gì hợp lý hơn việc tận dụng những địa điểm gắn với lịch sử và ký ức để tạo dựng và nối dài lớp trầm tích văn hóa sẵn có tới hiện tại. Bởi xây những công trình giả cổ là một cách làm vô nghĩa, còn những không gian văn hóa hiện đại mới xuất hiện trong vài năm gần đây thì rõ ràng chỉ bảo đảm công năng về mặt hành chính, chứ chưa hội đủ sức hút văn hóa của mình.

Tất nhiên, để trở thành điểm đến của cộng đồng, không gian cũ cần được “đánh thức” ở nhiều phương diện, cả về thiết kế, quy hoạch hay khả năng tiếp cận. Thậm chí, trong một chừng mực nhất định, không gian ấy cần được tháo bỏ những công năng cũ khoác lên mình nó từ nhiều năm nay. Không phải ngẫu nhiên, dư luận từng háo hức với việc biến Long Biên thành một cây cầu đi bộ vắt qua sông Hồng, sau khi một cây cầu đường sắt mới được xây dựng thay cho cầu cũ. Tương tự như thế là ý tưởng biến các vòm cầu cạn dưới trục đường sắt Phùng Hưng – Long Biên thành nơi dành cho văn hóa và nghệ thuật, là đề xuất gỡ bỏ hàng rào bao quanh Nhà hát Lớn để biến nơi đây thành không gian mở cho cộng đồng… Và cũng có cả những ý tưởng đã lỡ cơ hội thực hiện, dù từng được đánh giá cao. Đó là đề án sử dụng gốm, bờ kè và hệ thống chiếu sáng để thiết kế “con đường hòa bình” ở không gian cũ ven đê Bưởi, hay việc bảo tồn nguyên trạng kiến trúc từng có của nhà tù Hỏa Lò để biến nơi đây thành một điểm văn hóa đặc biệt.

Tiếc nuối để hi vọng rằng những không gian của văn hóa, lịch sử và ký ức như khu vực Hồ Văn sẽ được đánh thức sao cho đúng với giá trị của mình, thay cho việc khôi phục với một tư duy cũ kỹ và cứng nhắc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần