KTĐT - Có người chỉ đứng tên vài chục nghìn cổ phiếu dù trước đó là cổ đông sáng lập và công ty có vốn điều lệ hàng trăm tỷ đồng.
Trước khi lên sàn, nhiều cổ đông sáng lập, thành viên hội đồng quản trị đã chuyển cổ phiếu sang tên người khác để phòng khi muốn mua bán sẽ không cần công bố thông tin. Nhưng đó chưa phải là góc khuất đáng quan tâm nhất.
Cuối năm 2006, một công ty có tiếng lên sàn TP HCM, giá cổ phiếu của công ty này tăng phi mã trong cơn cuồng điên của thị trường chứng khoán. Sau thời gian bị hạn chế chuyển nhượng, một số thành viên hội đồng quản trị của tổ chức này công bố thông tin sẽ bán bớt cổ phiếu đang nắm giữ.
Thế nhưng, các VIP này không thể bán được vì phản ứng dữ dội từ các nhà đầu tư. Một VIP của công ty này than thở: “Mình làm đàng hoàng, rõ ràng lại bị mang tiếng và không bán được vào lúc cần”.
Bình luận về sự việc trên, ông Nguyễn Quang Bảo – Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bản Việt nói: “Hội đồng quản trị công ty này không có kinh nghiệm nên vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu cho tới khi lên sàn và gặp bất lợi khi bán là điều dễ hiểu”. Theo chuyên gia này, các VIP ở nhiều công ty niêm yết khác đã thực hiện một số thay đổi “nhỏ” trước khi lên sàn và việc bán cổ phiếu vào lúc thị trường quá nóng không bị ảnh hưởng gì.
Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty chứng khoán lớn tiết lộ, trước khi niêm yết, các VIP ở nhiều công ty đã chuyển một phần cổ phiếu mình đang nắm giữ sang tên người khác để khi bán không phải công bố thông tin. Điều này giúp họ giảm phiền phức mỗi khi có nhu cầu về tài chính cần phải bán cổ phiếu mà không làm ảnh hưởng đến tâm lý cổ đông.
Đây là lý do khiến không ít nhà đầu tư ngạc nhiên khi đọc cáo bạch của một số công ty niêm yết thì thấy số lượng cổ phiếu của một số VIP tại đây rất thấp. Có người chỉ đứng tên vài chục nghìn cổ phiếu dù trước đó là cổ đông sáng lập và công ty có vốn điều lệ hàng trăm tỷ đồng.
Một môi giới chứng khoán tại Hà Nội còn tiết lộ, ngoài việc nhờ người khác đứng tên, một số VIP còn buôn bán cổ phiếu của chính công ty mình làm lãnh đạo. “Vào thời điểm thuận lợi, do thấy việc buôn cổ phiếu còn lãi hơn đi kinh doanh, các VIP toàn loanh quanh với bảng điện tử cùng bộ phận chứng khoán mới được thành lập từ khi niêm yết”, anh này nói.
Theo tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại Hà Nội, mối quan hệ giữa thành viên hội đồng quản trị của công ty niêm yết, các môi giới chứng khoán VIP và một số “đội lái” (các nhà đầu tư lớn chuyên làm giá cổ phiếu) giúp tạo nên những con sóng lớn về giá trên thị trường. “Đây chính là góc khuất mà các cơ quan quản lý vẫn chưa thể ‘khám phá’ được”, vị này nhận xét.
Lãnh đạo này nói thêm, đưa công ty lên niêm yết ngoài mục đích để huy động vốn, một trong những mục tiêu quan trọng của không ít cổ đông lớn là bán được cổ phiếu với giá cao và có thể kinh doanh chính cổ phiếu của công ty mình với các thủ thuật làm giá và thông tin nội bộ. “Đây là một hiện tượng không lành mạnh cần được cơ quan quản lý nghiên cứu biện pháp chấn chỉnh hữu hiệu”, vị tổng giám đốc này nói.