Đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ: Việc riêng hại đến việc chung

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra cuối tuần trước đã đe dọa làm kiệt quệ quốc gia vốn đang đối mặt với nhiều khó khăn cả về kinh tế, an ninh.

Không những thế, cuộc binh biến này còn có nguy cơ ảnh hưởng đến nỗ lực chống khủng bố chung.

Mâu thuẫn sâu xa

Việc quân đội can thiệp vào chính trị và thực hiện các cuộc binh biến không phải là chuyện hiếm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong 50 năm qua, quân đội nước này đã thực hiện 4 cuộc đảo chính khác vào các năm 1960, 1971, 1980 và 1997. Theo giới phân tích, quân đội có vai trò và ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ. Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ cũng quy định quân đội nước này có thể can thiệp vào nội tình đất nước khi cần để giải quyết khủng hoảng. Điều này giúp các lãnh đạo quân sự nắm trong tay quyền lực lớn.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình lên án cuộc đảo chính. ảnh: Reuters
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình lên án cuộc đảo chính. ảnh: Reuters
Trong khi đó, Tổng thống Erdogan là người không ít lần có những xích mích với quân đội. Năm 2013, ông Erdogan tống giam 17 người, trong đó có các quan chức quân đội cấp cao, với cáo buộc âm mưu lật đổ đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền. Năm 2011, ông đã chỉ đạo một đợt truy lùng, bắt bớ, truy tố lớn khác trong "Chiến dịch Búa tạ", xét xử hàng trăm sĩ quan quân đội, nhà báo và các chính trị gia với cáo buộc tương tự.

Do vậy, âm mưu đảo chính lần này của phe quân đội chỉ là một trong những mâu thuẫn sâu xa trong đời sống chính trị Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, vụ đảo chính lần này thất bại vì người dân đã quá chán chường với việc can thiệp thô bạo vào chính trị của quân đội. Theo GS Jenny White - chuyên gia Viện Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Stockholm, các cuộc đảo chính trước đó đã gây ra sự hỗn loạn về an ninh và kinh tế, với những bất ổn thường trực trong cuộc sống mà người dân phải chịu đựng.

Ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh với Mỹ?

Sau sự kiện này, Tổng thống Erdogan đã đề nghị Mỹ bắt giữ hoặc trao trả giáo sĩ Fethullah Gulen - người mà Ankara cho là kẻ đứng sau cuộc đảo chính đêm hôm 15/7 về Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bài phát biểu trước những người ủng hộ ở TP Istanbul, ông Erdogan cho rằng, với vị thế là đối tác chiến lược hay đối tác kiểu mẫu, Mỹ cần "làm điều cần thiết". Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, Mỹ sẽ trao trả ông Gulen cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu có đầy đủ bằng chứng cho thấy giáo sĩ này thực sự đứng sau âm mưu đảo chính. Nhiều nhà quan sát lo ngại, điều này có thể ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ.

Ngay sau cuộc đảo chính, giới chức Ankara đã áp đặt lệnh phong tỏa tại căn cứ không quân Incirlik - nơi quân đội Mỹ sử dụng để thực hiện chiến dịch không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria nhằm đảm bảo an ninh. Bên cạnh đó, với vai trò trong liên minh chống khủng bố do Mỹ và phương Tây khởi xướng, cuộc đảo chính bất thành lần này cũng ảnh hưởng đến kế hoạch chung của liên minh. Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt hại sau cuộc đảo chính này sẽ khiến liên minh mất đi một cơ sở thiết yếu trong khu vực, là một đòn nghiêm trọng cho các nỗ lực không ngừng chống lại IS, nhất là sau khi các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở Bỉ, Pháp và ngay chính tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần