Đảo chính ở Mali: Đại tá Assimi Goita tuyên bố lãnh đạo chính quyền quân sự

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hãng tin EFE ngày 19/8 cho biết, đại tá quân đội Mali Assimi Goita đã tự tuyên bố là thủ lĩnh cuộc đảo chính nổ ra trước đó một ngày.

Phát biểu sau cuộc họp với các công chức hàng đầu sáng 19/8, Đại tá Assimi Goita đã tự tuyên bố: "Tôi là Đại tá Assimi Goita, Chủ tịch Ủy ban cứu quốc của nhân dân (CSNP), được thành lập sau cuộc đảo chính".
Đại tá Assimi Goita ngày 19/8 tuyên bố lãnh đạo chính quyền quân sự.
Trong khi đó, một nguồn tin từ các lực lượng vũ trang Mali cho hay, Tướng Malick Diaw là người đã dẫn đầu quân nổi dậy lật đổ Chính phủ Mali.
Theo EFE, lực lượng nổi dậy đã chỉ định đại tá Goita làm Chủ tịch CSNP và công tác chuẩn bị cho một cuộc tuần hành lớn nhằm ủng hộ những người dẫn đầu đảo chính đang diễn ra tại thủ đô Bamako.
Lực lượng binh biến cho biết vai trò của CSNP là bảo vệ tính mạng người dân và chuẩn bị cho một cuộc tổng tuyển cử ở Mali.
Trước đó, hôm 18/8, các binh sĩ nổi dậy đã bắt giam Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita và Thủ tướng Boubou Cisse tại căn cứ quân sự ở ngoại ô thủ đô Bamako. Tổng thống Keita, sau nhiều tháng đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối trên diện rộng của người dân, đã buộc phải tuyên bố từ chức để tránh đổ máu.
Cuộc đảo chính diễn ra trong bối cảnh Mali đang rơi trong tình trạng khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội kéo dài.
Nhiều tổ chức, quốc gia đã lên án vụ đảo chính và kêu gọi trả tự do cho lãnh đạo quốc gia này.
Ngày 19/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng: "Mỹ mạnh mẽ lên án cuộc binh biến ngày 18/8 tại Mali, cũng như chúng tôi sẽ lên án mọi hành động dùng vũ lực để giành quyền lực. Cần phải đảm bảo sự tự do và an toàn cho các quan chức chính phủ bị bắt giữ cùng gia đình của họ".
Hôm 18/8, các binh sĩ nổi dậy đã bắt giam Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita và Thủ tướng Boubou Cisse tại căn cứ quân sự ở ngoại ô thủ đô Bamako.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cùng ngày cũng cho biết, Paris "công nhận tuyên bố từ chức của Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita", đồng thời "kêu gọi lập tức trả tự do cho Tổng thống Keita cũng như khôi phục tức thì quyền lực dân sự".
Cũng trong động thái phản ứng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) đã lên án vụ binh biến ở Mali và kêu gọi các binh sĩ liên quan lập tức trả tự do cho các quan chức chính phủ bị bắt giữ và trở lại doanh trại tức thì.
Hội đồng Bảo an LHQ cũng "nhấn mạnh cần lập tức khôi phục pháp trị và hướng tới khôi phục trật tự hiến pháp". Hội đồng Bảo an đã được thông báo về vụ việc sau khi các binh sĩ quân đội lật đổ Tổng thống Mali trong một cuộc đảo chính. Những binh sĩ này ngày 19/8 cam kết sẽ theo dõi các cuộc bầu cử trong một khoảng thời gian "hợp lý" và chuyển hướng sang đàm phán với một trong những bên trung gian có tầm ảnh hưởng nhất tại quốc gia Tây Phi này./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần