Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đạo đức người làm báo

Vân Thiêng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghề nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp. Nhưng với người làm báo thì đạo đức nghề nghiệp càng phải được đề cao, vì sản phẩm của nhà báo tác động đến nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội, mang tính đặc thù về nhận thức, tư tưởng, đạo đức.

Thiếu thận trọng, chạy theo những nhu cầu rẻ tiền, đưa tin giật gân, câu khách trên báo chí sẽ để lại những hậu quả khôn lường, không dễ khắc phục. Trách nhiệm xã hội của nhà báo vì thế luôn được đề cao thành một chuẩn mực đạo đức không thể thiếu của người cầm bút.
Với truyền thống hơn 90 năm, những người làm báo Việt Nam có quyền tự hào về sự lớn mạnh của nền báo chí nước nhà. Thời kháng chiến, vừa cầm bút, vừa cầm súng, nhiều nhà báo - chiến sĩ đã có mặt ở tuyến đầu, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, người làm báo là cầu nối đưa đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân, tuyên truyền cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, động viên mọi tầng lớp Nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Báo chí trở thành một lực lượng xung kích trên mặt trận đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn, tiêu cực xã hội; thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đấu tranh bảo vệ chủ quyền; phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ. Nhà báo còn là những nhà ngoại giao trên mặt trận thông tin để bạn bè quốc tế biết chúng ta là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, nhiệt thành xây dựng thế giới tiến bộ, văn minh, hạnh phúc...
Không quá lời khi cho rằng nhà báo là người hạnh phúc nhất, vì được đối thoại nhiều nhất với công chúng về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm... Để làm được điều đó, mỗi nhà báo luôn tự phấn đấu, học tập, trang bị cho mình một lượng kiến thức phong phú, rèn luyện bản lĩnh, trí tuệ, xác định trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của người cầm bút chân chính.
Thế giới luôn vận động không ngừng, các giá trị, chuẩn mực về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo cũng thay đổi để thích ứng. Một nhà báo tốt không có nghĩa là chỉ biết giữ cho “tròn mình”. Mà phải là một người có bản lĩnh, nhạy bén trong việc phát hiện, phán đoán, phân tích để tìm ra bản chất, xu hướng vận động của vấn đề. Bản lĩnh nghề nghiệp giúp nhà báo "bắt" được mạch sống chủ đạo của xã hội để có cách thông tin phù hợp, hiệu quả. Làm sao để tác phẩm báo chí có sức sống, lay động dư luận xã hội, được công chúng ủng hộ. Hay nói cách khác là bằng trí tuệ, lòng say mê nghề nghiệp, nhà báo chân chính phải nhận thức và làm tròn trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình để không phụ lòng tin, sự kỳ vọng của Nhân dân. Đó chính là đạo đức dấn thân của nhà báo. 
Trong thời đại kỷ nguyên số, người làm báo cũng thuận lợi hơn nhờ sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ; thông tin cũng nhiều hơn, điều kiện tiếp cận vấn đề cũng dễ dàng, phong phú hơn. Tuy nhiên, đâu là bản chất, đâu là hiện tượng, đâu là những vấn đề cần phân tích, lý giải, phản biện để định hướng dư luận...thì lại tùy thuộc vào khả năng nắm bắt, nhận định và bản lĩnh của mỗi nhà báo.
Kiến thức giúp nhà báo điềm tĩnh để phát hiện ra những bất thường trong chuỗi sự kiện mà thoạt nhìn, tưởng chừng như hợp lý. Còn cái tâm trong sáng, bản lĩnh chính trị sẽ giúp nhà báo vững tin hơn với bản thân mình, không tính toán thiệt hơn trong công việc mà sẵn sàng dấn thân vì nghề nghiệp, tránh xa những cám dỗ tầm thường, làm tròn trách nhiệm xã hội của công dân. Nhà báo thường tác nghiệp trong trạng thái độc lập, chủ động, ít chịu sự ràng buộc, giám sát của tập thể. Vì thế, đạo đức nghề nghiệp bao giờ cũng được xem là nền tảng của người làm báo. Thiếu nền tảng đạo đức, người cầm bút có thể gây nguy hại khôn lường, đánh mất niềm tin của xã hội.