Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảo lộn sinh hoạt vì rét đậm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong những ngày qua, Hà Nội đón đợt rét kỷ lục, nhiệt độ có lúc xuống dưới 100C nên học sinh được nghỉ học, số bệnh nhân nhập viện tăng… Nhiều góc cuộc sống bị đảo lộn vì thời tiết.

Bác sĩ Vũ Thị Thanh Huyền khuyến cáo, người già nên tránh đi ra ngoài vào ban đêm và thay đổi tư thế đột ngột, tránh gió lùa. Khi ngủ dậy, nên ra khỏi giường từ từ, đồng thời mặc đủ quần áo ấm. Không nên dậy vào lúc 4 - 5 giờ sáng vì lúc đó dễ tăng huyết áp. Đặc biệt, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao, là hết sức cần thiết.
Trên những con phố, dòng người hối hả ngược xuôi. Ai cũng vận áo quần ấm, mũ, khăn kín đầu, thậm chí, trời không mưa, nhiều người cũng khoác lên mình áo mưa để tránh cái giá lạnh. Đến chiều tối, nhiệt độ càng giảm sâu, những cơn gió lạnh cắt da cắt thịt khiến người Hà Nội thêm tê tái trong giá rét.

Những dòng người vội vã trở về nhà trốn rét, nhưng cũng nhiều người đang bận với công việc còn dở dang. Đó là chị công nhân vệ sinh thu dọn rác, chị bán hàng rong trên phố đôi lúc xuýt xoa, co ro bởi cái lạnh thấu xương. Bên vỉa hè, cạnh các quán cóc, nhiều thanh niên tìm cách sưởi ấm bằng những đống lửa nhỏ. Họ cố tìm mọi cách để có thể quên đi cái rét bủa vây quanh người. Theo nhận định của chuyên gia khí tượng, thời tiết ở Hà Nội rất ít khi xuống tới 9 - 10 độ C như đợt cuối tuần qua, thông thường phải vài ba năm mới xảy ra, nên cũng dễ hiểu khi nhiều người tìm mọi cách đối phó với giá lạnh.

Bệnh nhân nhập viện tăng

Những ngày qua, nhiều bệnh nhân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ không thích ứng được với cái lạnh cắt da cắt thịt đã phải nhập viện. Thống kê tại các bệnh viện (BV) cho thấy, số bệnh nhân viêm đường hô hấp, tim mạch, nhồi máu cơ tim nhập viện tăng đột biến. Từ ngày 3 - 6/1, mỗi ngày BV Nhi T.Ư đã phải đón trên 2.500 bệnh nhân. Đa số bệnh nhi đến khám đều bị mắc các bệnh về hô hấp, viêm phổi, viêm, hen phế quản. 

 
Đảo lộn sinh hoạt vì rét đậm - Ảnh 1
 
Người dân Hà Nội đốt lửa sưởi ấm trong thời tiết giá lạnh trên đường Láng.Ảnh:Thanh Hải

Riêng khoa Hô hấp, trong ngày 6/1, có tới 160 bệnh nhi viêm phổi nặng, khoa bị quá tải phải nằm ghép. Khoa Cấp cứu lưu, ngoài bệnh nhi lồng ruột, ruột thừa, sốt cao co giật thì trong những ngày qua, bệnh nhi viêm phổi đến cấp cứu tăng đột biến. Tương tự, tại khoa Nhi, BV Bạch Mai, trong những ngày qua, lượng bệnh nhi cũng tăng gấp rưỡi những ngày bình thường với trên 300 trẻ/ngày. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, đa số trẻ đến BV bị các bệnh hô hấp, nhiều trẻ viêm phổi nặng được chuyển đến từ các tuyến dưới. Ngoài ra, thời điểm này khoa cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị tiêu chảy mùa đông Rotavirus.

Theo thống kê của Viện lão khoa T.Ư, trong 3 ngày qua, số lượng người nhập viện do bệnh tim, tăng huyết áp, viêm phổi tăng gấp 2 - 3 lần so với bình thường. Có tiền sử bị tăng huyết áp mấy năm nay, bà Nguyễn Thị Mơ (70 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn giữ gìn sức khỏe và uống thuốc đều đặn. Nhưng sáng 5/1, bà ngủ dậy vừa mở cửa liền bị ngã bất tỉnh, đột quỵ, được người nhà đưa đến Viện Lão khoa cấp cứu. Bác sĩ Vũ Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, đơn vị khám theo yêu cầu, cho biết, nhiều bệnh nhân bị đột quỵ do đi tập thể dục buổi sáng, tắm ở những nơi không kín gió hoặc nửa đêm dậy đi vệ sinh mà không mặc ấm bị nhiễm lạnh đột ngột. Nhiều ca nhập viện trong tình trạng méo miệng, hôn mê hoặc nói không rõ tiếng.

Dù trước đợt rét đậm, tất cả các BV đã trang bị chăn, chiếu, quạt sưởi, điều hòa phục vụ bệnh nhân, thế nhưng, với người nhà bệnh nhân, vì quá tải nên hầu như các BV đều bất lực, phó mặc người nhà tự đối phó, chống chọi với thời tiết giá rét. Đi chăm người ốm, người nhà bệnh nhân cũng lỉnh kỉnh chăn chiếu, co ro ngoài hành lang, gốc cây, ghế đá. Thậm chí, nhiều người còn tranh nhau trải chăn chiếu ngủ ngay trước cửa phòng cấp cứu, phòng bệnh, phòng đẻ.

Học sinh mừng, bố mẹ lo

Do nhiệt độ thời tiết xuống dưới 10 độ C, hàng ngàn học sinh tiểu học ở Hà Nội đã được nghỉ học ngày thứ 7 (ngày 5/1, học bù nghỉ Tết Dương lịch) vừa qua. Nhiều trường tiểu học như Dịch Vọng, Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Đoàn Kết (quận Hà Đông)… đã sử dụng sổ liên lạc điện tử gửi tin nhắn đến phụ huynh trước giờ học, nên cha mẹ không mất thời gian đưa con đến trường.

 
Đảo lộn sinh hoạt vì rét đậm - Ảnh 2
 
Ảnh: Thanh Hải

Song, tại không ít cổng trường, bố mẹ đưa con đến, đọc thông báo rồi lại vội vàng quay xe đưa con về. Đây là ngày học bù của học sinh, ngày làm bù của người lớn cho 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, nên khi học sinh nghỉ học, nhiều bố mẹ lại phải tất tả tìm chỗ gửi con. Anh Quách Văn Ngọc (quận Hà Đông) chia sẻ trong lúc đọc bảng thông báo con nghỉ học ở cổng trường Tiểu học Nguyễn Trãi: "Ông bà nội ngoại đều ở xa, nên tôi đưa cháu đến cơ quan vậy!". Chị Đặng Hằng Nga (huyện Từ Liêm) vội vàng quay xe chở con đến gửi ở nhà ông bà ngoại để kịp đi làm…

Trước đó, chiều 4/1, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi Phòng Giáo dục các quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc yêu cầu thường xuyên theo dõi bản tin thời tiết buổi sáng lúc 6 giờ 15 phút trên VTV1 để chủ động kế hoạch cho học sinh nghỉ học. Học sinh không phải mặc đồng phục, không phải đến trường quá sớm, trường hợp đi học muộn vẫn được cho vào lớp…

Các hoạt động tập trung ngoài trời, các tiết học thể dục cũng có thể được nghỉ, để bố trí học bù vào lúc khác. Nếu nhiệt độ xuống dưới 100C, học sinh tiểu học và mầm non được nghỉ, nhiệt độ dưới 7 độ C, học sinh THCS được nghỉ. Xem ra, trẻ con có vẻ thích thú, song, nỗi lo lắng không có người trông con lại hiện diện ở bố mẹ. Dự báo, đợt rét này còn kéo dài khoảng một tuần nữa, nếu nhiệt độ giảm sâu, trẻ con tiếp tục được nghỉ học, các bậc phụ huynh sẽ còn phải tất tả tìm chỗ gửi con để đi làm…

UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các sở, ngành, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thủy sản. Trong đó, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người nông dân các biện pháp phòng, chống rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thủy sản.

Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng đã có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục đôn đốc chỉ đạo các biện pháp phòng chống, đói rét cho vật nuôi, đặc biệt chú trọng các địa phương vùng cao, những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét...
Trung Tú