Những ngày đầu năm Dương lịch, các chủ vườn đào Nhật Tân, quất Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) đã bắt đầu vào vụ chuẩn bị bung hàng Tết. Những người sành chơi đã bắt đầu đổ bộ về những vườn đào, quất để đặt những cây cảnh ưng ý. Thông tin về đào, quất độc được nhiều người quan tâm nhưng không “gây sốc” bằng tiết lộ của chủ vườn về lai lịch của đào cổ thụ, giá cao.
Thuê cây cũng hàng chục triệu
Còn hơn 1t tháng nữa mới đến Tết nhưng chủ vườn đào Hoàng Hương, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội đã tập kết đào cảnh thương phẩm ra trưng bày và đón khách mua ở hè đường Võ Chí Công (Nhật Tân, Tây Hồ). Khu trưng bày của nhà vườn Hoàng Hương có đủ các loại đào với kích cỡ lớn bé khác nhau. Tâm điểm của khu trung bày nhà vườn này là cây bích đào 20 năm tuổi, gốc xù xì, tán cây tròn đều.
Theo chị Hương, cây bích đào này đã được một ngân hàng ở Hà Nội thuê chơi Tết với giá 20 triệu đồng/tháng. Trong khu trưng bày của nhà vườn này, phía vỉa hè đường Võ Chí Công trưng bày toàn gốc đào cổ thụ. Gốc to nhất, có thế đẹp nhất được chị Hương ra giá thuê là 10 triệu đồng/tháng hoặc bán đứt với giá 17 triệu đồng. Các gốc đào cổ thụ còn lại, giá thuê giao động từ 6-8 triệu đồng/gốc. Giá bán số gốc đào này chỉ cao hơn giá thuê vài triệu đồng/gốc.
Khi được hỏi về đào khủng giá trăm triệu, chị Hương xua tay: “Làm gì có gốc đào nào giá trăm triệu, tất cả đều là giá “thổi” hết. Phần lớn số cây được gọi là đào cổ thụ đều có gốc là đào rừng sau đó về ghép mắt bích đào”. Chỉ tay vào gốc đào to nhất có giá thuê 10 triệu, giá bán 17 triệu, chị Hương cho biết, gốc cây này là đào rừng, các tán cây xung quanh được nhà vườn gọi là “tay” vốn được cấy mắt cách đây từ 7-8 năm sau đó sinh trưởng phát triển mà thành. Mỗi tay có cành to bằng cây đào cỡ nhỡ vốn được bày bán tràn ngập trên các hè phố khi xuân về. Tới thời điểm này, chủ vườn đào Chương Thủy, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ đã bắt đầu nhận các đơn đặt hàng của khách ngoại tỉnh.
Chủ vườn đào Hoàng Hương (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết phần lớn đào cổ thụ đều có gốc là đào rừng cấy mắt bích đào. (Ảnh: KT)
Chủ vườn này cho biết, “khách sộp” ở tỉnh xa luôn đặt hàng sớm hơn dân nội thành. Theo đó, khi các chủ vườn vừa tuốt lá, dời cây từ bãi vào vườn, đánh cây vào chậu cũng là lúc khách phương xa tới xem, đặt cây. Năm nay, vườn đào Chương Thủy có tổng cộng 400 gốc đào các loại. Trong đó phần lớn là bích đào, đào cổ thụ. Trong số hàng trăm gốc bích đào, cây lớn nhất của vườn đào Chương Thủy có đường kính gốc trên dưới 12cm cũng chỉ có giá thuê là 8,5 triệu đồng/gốc/tháng.
Nói về đào khủng, anh Chương cho biết vườn nhà anh có những cây đào “khổng lồ” trông như cây phượng. Lai lịch của số đào này cũng là gốc đào rừng ở Sơn La sau đó được ghép mắt bích đào. “Tuy nhiên, số đào này thì năm sau mới có hàng vì năm nay mới ghép mắt” – anh Chương khẳng định. Như vậy, thông tin từ các chủ vườn cho thấy, trên thị trường gần như rất hiếm đào cổ thụ nguyên bản được rao với giá khủng mà chỉ có đào rừng, ghép mắt và nổi nhờ công nghệ “thổi giá”.
Quất thế đóng bình “soán” ngôi
Cũng như các chủ vườn đào, vào thời điểm này các chủ vựa quất cũng ăn ngủ ngoài vườn cả ngày lẫn đêm để chăm, đánh cây và tiếp khách mua. Tại vườn quất Tứ Liên, phần lớn những cây quất đẹp đều đã được người sành chơi đến chọn đặt thuê. Các chủ vườn ở đây cho biết, mỗi ngày trôi qua, số lượng khách đến xem, chọn và đặt cây càng nhiều.
Chủ vườn quất Tiến Hồng (Tứ Liên, Tây Hồ) cho biết, nhà vườn này vừa có quất để bán và cho thuê. Giá bán thường cao hơn giá thuê từ 1-2 triệu đồng/gốc. Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết nhưng số cây bị hỏng rễ đã chín vàng rực nên lượng cây ưng ý còn lại để bán cho khách không nhiều. Trong số quất cho thuê của vườn Tiến Hồng, giá cho thuê giao động từ 6-10 triệu đồng tùy gốc.
Thời điểm này, tại vườn quất Tứ Liên, lượng khách đến xem, chọn đặt cây lại không tập trung vào những vườn có cây to, tán khủng. Điểm đến của khách thời điểm này là những vườn quất nhỏ, cây nhỏ nhưng thế “độc” được trồng trong bình gốm. Nếu nhắc đến “thế” thì người dân chỉ quen với cụm từ “đào thế” nhưng với các chủ vườn quất Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) thì làm, chơi “quất thế” đang trở thành trào lưu. “Quất thế” cây bé chỉ bằng một cành của cây quất bình thường. Cây được trồng trong bình gốm đủ chủng loại tùy vào dáng cây.
Chủ vườn quất cảnh nghệ thuật Xuân Linh (Tứ Liên, Tây Hồ) có khoảng dăm chục bình quất với đủ các loại thế. Diện tích vườn của ông Linh chỉ bằng 1/10 diện tích các vườn quất khác. Tuy nhiên, lượng cây và giá cây cao hơn nhiều so với các vườn quất thường. Chủ vườn lý giải, làm và chơi quất nghệ thuật tốn công sức, trí tuệ, thời gian hơn nhiều so với trồng quất đơn thuần.
Theo ông Linh mỗi bình quất một kiểu và cũng có một giá bán khác nhau. Ông Linh tâm đắc nhất là số bình quất có dáng kiểu “thác đổ”. Đây là số quất được trồng trong loại bình gốm cao, thon, cành quất rủ xuống từ miệng bình tạo nên thế giống dòng thác đang tuôn chảy từ trên núi cao xuống vực sâu. Trong số cây có dáng “thác đổ”, ông ưng ý nhất là cây quất có thân sống trên chùm 3 rễ nổi. “Gốc quất phơi rễ mà cây vẫn tốt tươi, cho dáng đẹp, cành trĩu quả có cả lộc lẫn hoa” – ông Linh tấm tắc về tác phẩm của mình. “Tác phẩm” này được ông Linh ra giá 5 triệu đồng/bình.
Chủ vườn đào Hoàng Hương (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết phần lớn đào cổ thụ đều có gốc là đào rừng cấy mắt bích đào. (Ảnh: KT)
|