Kinhtedothi - Để đào tạo được một bác sĩ có chất lượng, đáp ứng yêu cầu... rất công phu, tốn kém và phức tạp. Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, GS.TS.BS Phạm Thị Minh Đức - Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, các nhà quản lý giáo dục chưa thấu hiểu điều đó, khiến các trường đào tạo ngành y gặp nhiều khó khăn.
Gắn bó lâu năm với ngành y, theo GS, điều kiện cần và đủ để đào tạo ngành y thực sự hiệu quả là gì?
- Tôi muốn nói nghề y rất đặc biệt, liên quan đến mạng sống của từng con người và cộng đồng. Trước hết, bác sĩ phải có biện pháp để dự phòng dịch bệnh không xảy ra. Khi dịch bệnh xuất hiện, bác sĩ phải kiểm soát, cư trú và khống chế được nó. Sự tổng hợp của cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội – nhân văn và nghệ thuật là điều đặc biệt thứ 2 của nghề y.
Hiện nay, xã hội quan niệm thầy thuốc là người khám và chữa bệnh, điều này đúng nhưng chưa đủ. Người thầy thuốc có 4 vai trò, trước hết là cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tức là phải làm hài lòng và thỏa mãn người nhận dịch vụ. Thứ nữa, bác sĩ phải ra quyết định chẩn đoán bệnh nhân này mắc bệnh gì, cách điều trị ra sao cho phù hợp với tình trạng và hoàn cảnh thực tế của người bệnh. Vai trò nữa là truyền thông cho người ta hiểu về cơ thể, những nguy cơ có thể dẫn đến bệnh lý, cách dự phòng, thay vì chờ họ bị ốm đến khám. Người thầy thuốc cũng phải quản lý hay lãnh đạo cộng đồng. Từ 4 vai trò trên, ta thấy đào tạo thầy thuốc rất quan trọng. Họ cần phải có những tri thức khoa học cơ bản tạo ra tiềm năng để có thể tự học, tự cập nhật kiến thức để phát triển nghề nghiệp. Và ngoài những đức tính mà người bình thường cần có, bác sĩ phải có thêm những phẩm chất riêng.
Như vậy, cách đào tạo ngành y phải khác biệt, thưa GS?
- Những yêu cầu đó buộc đào tạo ngành y phải theo từng nhóm nhỏ. Việc đào tạo cũng rất tốn kém, phải đầy đủ về điều kiện về giảng viên; phương tiện như labo, hóa chất, dụng cụ thí nghiệm, mô hình. Ngoài ra phải có hệ thống những giả định bệnh nhân để sinh viên thực hành kỹ năng giao tiếp, thăm hỏi khám bệnh. Hiện nay, chưa trường đại học y nào có hệ thống người đóng thế bệnh nhân, có chăng là đơn lẻ. Đó là chưa kể chưa có phòng ngâm xác người phục vụ sinh viên học giải phẫu. Việc này đang gặp khó khăn về quan niệm, tập tục; thủ tục nhận, điều kiện phương tiện để bảo quản xác.
Và cho dù có cho sinh viên thực hành trên labo, mô hình cũng không thể thay thế được bệnh nhân, cho nên cần phải có bệnh viện. Trường đại học các nước có 500 – 600 giảng viên đầu tư xây 5 - 7 bệnh viện để sinh viên thực hành, mỗi bệnh viện có 800 – 1.200 bệnh nhân với đầy đủ trang thiết bị. Thế mà, mỗi năm trường chỉ tuyển dưới 100 chỉ tiêu. Sinh viên học hết năm thứ nhất, thứ hai sẽ phải trải qua những kỳ sát hạch để thanh lọc. Nhưng ở ta, Đại học Y Hà Nội – nơi tôi từng công tác, có truyền thống đào tạo lâu đời, khoảng 600 giảng viên đào tạo cỡ 1.200 người. Chúng ta chỉ cần nhìn như thế đã thấy chất lượng đào tạo của mình có vấn đề. Việc Bộ GD&ĐT quy định 25 sinh viên/1 giảng viên, đúng với các ngành đào tạo khác, còn với y khoa thì không.
Theo GS, những yếu tố nào ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo ngành y?
- Có 5 yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các trường y là: Đầu vào của sinh viên, chương trình, người thầy, điều kiện trang thiết bị và cơ sở vật chất, tổ chức đào tạo. Ngoài ra, còn thêm yếu tố cơ chế, chính sách đãi ngộ. Cứ nói nghề y là nghề đặc biệt, nhưng không nước nào lương bác sĩ lại thấp như ở Việt Nam. Lương bác sĩ được xếp ở bậc thứ 17 trên tổng số 18 bậc, trong khi học làm nghề này vất vả nhất, khó khăn nhất, tốn kém nhất và thời gian rất dài.
Còn khó khăn nào mà các trường đào tạo thầy thuốc đang gặp phải nữa?
- Tôi muốn nói đến việc thực hành ở bệnh viện của sinh viên ngành y. Chúng ta hình dung, sinh viên từ năm học thứ 3 đến thứ 6 của Đại học Y Hà Nội, từ ngành Bác sĩ nội trú, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, tiến sĩ đều đến bệnh viện thực hành. Rồi sinh viên và học sinh các trường cao đẳng và trung học y tế cũng đến đó. Khi số lượng bệnh nhân có hạn, chất lượng thực hành sẽ ra sao?
Đấy là chưa kể bệnh viện quá tải, môi trường đó chưa hẳn đã tốt, kỹ thuật chưa chuẩn mực. Ở các nước, không nghề nào đào tạo tốn kém như bác sĩ, nên nhiều gia đình có điều kiện có con học ngành y phải đi vay tiền nhà nước để đóng học phí. Trong khi ở Việt Nam, việc phân bổ kinh phí cho các trường na ná như nhau. Vì muốn có thêm kinh phí, nên lãnh đạo các trường y thực hiện giải pháp tình thế tuyển sinh nhiều, nhưng như thế cũng không đáng kể so với toàn bộ chi phí đào tạo.
Đào tạo ngành y gian nan như vậy, nhưng hiện nay có những trường lấy điểm đầu vào ngành y rất thấp?
- Người học sẽ rất khó tiếp cận được tất cả kiến thức, kỹ năng và phẩm chất đạo đức. Trong trường lại không đủ những điều kiện về phương tiện, năng lực của thầy còn hạn chế, đương nhiên chất lượng có vấn đề. Tôi biết, cũng có nước đầu vào ngành y là phổ thông, nhưng họ đào tạo rất nghiêm chỉnh. Ví dụ ở Mỹ, sau khi tốt nghiệp có bằng bác sĩ, nếu muốn trở thành bác sĩ gia đình thì phải học thêm 4 năm, muốn làm bác sĩ ngoại khoa phải học thêm 7 năm.
Ở Việt Nam có truyền thống đào tạo bác sĩ nội trú rất tốt. Sau 6 năm tốt nghiệp, họ có 3 năm trực tiếp học ở bệnh viện giúp tay nghề rất tốt. Như thế, với đầu vào thấp, quá trình đào tạo tập trung, có sự quan sát, chúng ta vẫn đảm bảo chất lượng nhất định để phục vụ. Nhưng hiện nay, đào tạo của mình vào bao nhiêu ra bấy nhiêu. Giờ lại lấy đầu vào thấp, dựa trên kết quả thi chung là không hợp lý.
Với những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ngành y đều có vấn đề như vậy, chúng ta cần có giải pháp gì để khắc phục, thưa GS?
- Lãnh đạo Bộ Y tế nên thuyết phục, giải trình để Bộ GD&ĐT thấy được tính chất đặc biệt của đào tạo ngành y, từ đó Bộ GD&ĐT có đầu tư tương xứng. Một giải pháp nên làm cấp bách là kiểm soát đầu ra. Đầu vào có thể mở, nhưng quan trọng là lấy gì để đảm bảo cho người ta nhìn thấy việc thực hiện tiêu chí là có thực. Ví dụ, họ đưa ra một lô danh sách giảng viên, nhưng liệu có thực, hay là chỉ lấy tên của những người đã về hưu? Hiện Bộ GD&ĐT đã đưa ra chuẩn đầu ra, ngành Y tế cũng có chuẩn cấp chứng chỉ hành nghề. Nếu tổ chức thực hiện đúng, việc kiểm soát sẽ rất tốt. Tuy nhiên, việc cấp chứng chỉ hành nghề vẫn còn có những bất cập rất cần chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tế, đặc biệt là để có nguồn nhân lực y tế chất lượng.
Xin cảm ơn GS!