Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đào tạo chưa gắn với nhu cầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 72.000 lao động có trình độ cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) trở lên bị thất nghiệp trong quý IV/2013, trong đó, thanh niên từ 20 - 24 tuổi thiếu việc làm chiếm tới 20,75%. Con số ấy báo động tình trạng lãng phí nguồn nhân lực ở độ tuổi vàng về lao động.

Lơ là công tác phân luồng

Thật đáng buồn khi xu hướng liên thông ngược ngày càng phổ biến. Nhiều sinh viên (SV) tốt nghiệp hệ CĐ, ĐH, thậm chí cao học phải cất tấm bằng vào tủ để quay sang học trung cấp nghề rồi đi làm công nhân kỹ thuật. Khi số người thất nghiệp và thiếu việc làm ngày càng tăng, thì đây là giải pháp tình thế mà nhiều lao động buộc phải lựa chọn. 

Bức xúc trước tình trạng này, PGS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định, nguyên nhân lớn là do chúng ta chưa làm tốt công tác phân luồng trong đào tạo. Đáng lẽ học sinh (HS) học hết cấp nào thì được phân luồng ngay. "Đằng này, HS học hết cấp 1 lên cấp 2, rồi vào cấp 3 và hết cấp 3 thì bằng mọi cách đi học ĐH. Mọi người đều có suy nghĩ "không học ĐH, không trở thành người", cũng giống như mâm cơm chỉ toàn các món được chế biến từ thịt, cá nhưng lại không ngon vì thiếu rau, dưa… thì làm sao ăn được? Trong đào tạo cũng vậy, phải có trình độ ĐH, CĐ và cả trung cấp nghề" - PGS Trần Xuân Nhĩ nói. 
 Xem thông tin tuyển lao động tại quận Long Biên.      Ảnh: Duy Anh
Xem thông tin tuyển lao động tại quận Long Biên. Ảnh: Duy Anh
 
Một số chuyên gia về đào tạo nghề cho rằng, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm, nhưng nguyên nhân chủ quan và rất lớn là đào tạo không cân đối với sử dụng, chất lượng đào tạo không cao, ngành nghề không xuất phát từ nhu cầu của nền kinh tế quốc dân. Các trường tập trung chủ yếu đào tạo trình độ ĐH, nhưng công nhân kỹ thuật lại thiếu. TS Hoàng Xuân Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường CĐ Công nghiệp Dệt may thời trang Hà Nội đưa ra 2 lý do chính. Thứ nhất, các cơ quan quản lý Nhà nước từ trước đến nay chưa đưa ra được dự báo chính xác về nhu cầu nhân lực cho bất kỳ ngành nào cụ thể. Dự báo nhu cầu không có nghĩa là về số lượng mà cả về chất lượng, tức là kiến thức và kỹ năng của ngành nghề ấy. Các trường chỉ căn cứ vào thông tin tự khảo sát, nên đào tạo ra không khớp với nhu cầu. Thứ hai, các trường không đầu tư thích đáng, nhất là những trường mới thành lập, nên đào tạo không có chất lượng dẫn đến SV tốt nghiệp không có việc làm.

Giải pháp đồng bộ

Lời giải bài toán để nguồn nhân lực khớp với yêu cầu xã hội được các chuyên gia đưa ra đối với Bộ GD&ĐT trước hết là thực hiện nhanh việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, trong đó đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho HS. Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, HS học hết THCS nên được phân luồng khoảng 40 - 50% các em học tiếp lên bậc THPT, 30 - 40% đi học nghề, số còn lại đi học khóa đào tạo nghề ngắn hạn. Bộ nên sửa đổi hệ thống trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp làm một; giải quyết ngay những bất cập trong việc cho phép học liên thông từ trung học nghề lên CĐ nghề và ĐH nghề. 

Các trường cũng phải nhận thức được trách nhiệm của mình đối với đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội; phải đào tạo ra những sản phẩm có chất lượng để cung cấp cho xã hội. Để làm được việc đó, nhà trường nên tập trung đổi mới nội dung chương trình giảng dạy cho phù hợp với thực tiễn, gắn đào tạo với thực hành tại các doanh nghiệp sử dụng. Cùng với đó là đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy, đổi mới quản lý, công tác quản lý thi, kiểm tra đánh giá để nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường phải công khai chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, đánh giá chất lượng. Bản thân từng SV cũng cần nhận thức rõ trong nền kinh tế thị trường, việc làm và thu nhập phụ thuộc vào trình độ và năng lực của chính các em. Khi các em hiểu được điều này sẽ xác định động cơ và tập trung đầu tư học tập, nâng cao trình độ. 

Hơn thế, để giải bài toán thất nghiệp, rất cần các cơ quan chức năng tổ chức điều tra xã hội học trong từng giai đoạn nhất định để đưa ra nhu cầu nhân lực cụ thể cho từng ngành, tăng cường quản lý nâng cao chất lượng đào tạo để đảm bảo cân đối giữa đào tạo - sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

 
"Chọn nghề không nên quan trọng nghề ấy sang hay hèn, mà nghề ấy phù hợp với mình hay không. Cho dù công việc gì, nếu chúng ta làm tốt, thì rất dễ xin việc và dễ kiếm sống." - PGS Lê Thị Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia