Đào tạo đại học Cần mổ xẻ căn cơ những vấn đề nóng

Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 của các cơ sở giáo dục ĐH, các trường sư phạm ở 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Những vấn đề "nóng" của giáo dục ĐH thời gian qua đã được đem ra mổ xẻ, đặc biệt là các vấn đề phát sinh từ kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Nhìn nhận thấu đáo “cơn mưa” điểm 10

Không phải ngẫu nhiên mà tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đặt ra câu hỏi, liệu “mưa điểm 10” trong kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi có phải là chất lượng đầu vào của các trường ĐH đã được nâng lên? Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, năm nay có nhiều thí sinh (TS) đạt điểm tuyệt đối trong các môn thi, tuy nhiên tỷ lệ điểm 10 chiếm khoảng 3% trong tổng số TS dự thi, phổ điểm 5, 6 vẫn chiếm số lượng lớn. Do đó, phải nhìn nhận một cách bình tĩnh, thấu đáo hơn về “mưa điểm 10”. Bộ trưởng nhận định, có nhiều điểm 10 như vậy bởi kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, phương pháp thi trắc nghiệm được áp dụng rộng rãi hơn, kiến thức cơ bản tập trung chủ yếu trong chương trình lớp 12.
 Sinh viên Đại học Y Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Phạm Hùng
Băn khoăn trước việc nhiều điểm 10 và có TS 29 - 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1, ông Thái Bá Cần – Hiệu trưởng ĐH Hồng Bàng cho rằng: Đây là điều cần phải thay đổi trước thực tế tuyển sinh của chúng ta nhiều năm nay chủ yếu nằm ở phương thức lựa chọn, tìm kiếm học sinh điểm cao vào các trường ĐH học tốt. “Tôi không tin những em điểm cao sẽ trở thành những sĩ quan tốt, bác sĩ giỏi, thầy giáo tốt. Vì vậy, đã đến lúc cần nghĩ đến một cách tuyển sinh mới hơn, để học sinh không ngộ nhận về bản thân, xã hội không có một suy nghĩ kiểu TS 29 điểm mà trượt ĐH là một sự phi lý” - ông Cần nhấn mạnh.

Đào tạo sản phẩm thị trường cần

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017 - 2018, nhiều đại biểu cho rằng vấn đề cốt yếu để phát triển giáo dục ĐH chính là chất lượng đầu ra của sinh viên. Hầu hết các trường ĐH hiện nay đã xác định được việc sinh viên đào tạo ra trường phải đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu thị trường, sản phẩm “ra lò” chính là cái mà thị trường cần, chứ không phải là cái nhà trường có. Vì vậy ngay từ khâu tuyển sinh, các cơ sở đào tạo phải căn cứ vào nhu cầu của thị trường.

Để sinh viên ra trường đáp ứng tốt cho thị trường, Giám đốc ĐH Huế Nguyễn Quang Linh cho rằng chất lượng giảng viên là yếu tố quyết định. Hiện nay, nguồn giảng viên của ĐH Huế chủ yếu là giữ lại những sinh viên xuất sắc để đào tạo, tuy nhiên sinh viên được giữ lại làm giảng viên chưa đáp ứng đủ cả số lượng lẫn chất lượng. Do đó nhà trường phải sử dụng số lượng giảng viên đã nghỉ chế độ, nên không quản lý trực tiếp được vấn đề chuyên môn. Còn Hiệu trưởng ĐH Hồng Bàng Thái Bá Cần thì khẳng định: "Muốn nâng cao chất lượng giáo dục Đại học, phải nâng cao ngoại ngữ, tính học thuật và đầu tư cơ sở vật chất". Bởi theo ông, để hội nhập quốc tế tốt, sinh viên cần có ngoại ngữ tốt. Ngoại ngữ phải là mục tiêu quan trọng, được các trường thường xuyên nâng cao trong quá trình đào tạo sinh viên và trong chuẩn đầu ra. Bên cạnh nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên và giảng viên, thì việc đầu tư cơ sở vật chất, tạo niềm tin cho người học bằng một môi trường học thuật hiện đại là điều cần làm song song. Hiện tại ĐH Hồng Bàng đặt mục tiêu làm sao đào tạo được đội ngũ sinh viên đáp ứng yêu cầu hội nhập và thị trường lao động, đúng với phân khúc thị trường cần.

"Hiện nay, chúng ta đang trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới giáo dục, chúng ta phải chấp nhận “rung lắc” lúc ban đầu để rồi tiếp tục tinh chỉnh cho chuẩn chỉ công tác tuyển sinh những năm tới. " - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần