Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 10/10, hội nghị khu vực về đào tạo nghề tại Việt Nam "Đột phá chất lượng dạy nghề" do Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang Đức đã khai mạc và kéo dài đến hết ngày 11/10.

Theo đó, những vấn đề cơ bản của dạy nghề như: Tiêu chuẩn nghề; quan hệ hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nghề; phát triển đội ngũ giáo viên đào tạo nghề có năng lực; tài chính cho dạy nghề đã được đưa ra bàn thảo.
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường - Ảnh 1
Đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường là xu thế chung được thực hiện tại nhiều quốc gia.Ảnh: Linh Việt

Theo các chuyên gia, để tạo ra sự đột phá về chất lượng đào tạo nghề, Việt Nam cần sự hợp tác và hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó có Đức và các nước ASEAN, tập trung vào một số nội dung như: Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý dạy nghề, năng lực hoạch định và xây dựng chính sách dạy nghề cho Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Ngọc Phi cũng nhận định, điểm yếu của dạy nghề chính là đội ngũ giáo viên thiếu cả về chất và lượng, hiện mới chỉ có hơn 3% là giáo viên tích hợp (vừa dạy lý thuyết giỏi vừa dạy kỹ năng nghề giỏi). Thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung vào những hoạt động hợp tác chính, đó là lựa chọn các đối tác chiến lược là những quốc gia thành công trong phát triển dạy nghề trong khu vực ASEAN, châu Á và Liên minh châu Âu (EU); hợp tác về đào tạo và công nhân kỹ năng nghề; đào tạo cho lao động trong nước làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đào tạo theo nhu cầu của thị trường đang là xu thế chung, là cách tiếp cận đào tạo có hiệu quả đang được thực hiện ở tất cả các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới. Phó Thủ tướng cũng nêu ra những vấn đề hợp tác phát triển dạy nghề giữa Việt Nam, Đức và các nước ASEAN cần thảo luận như có nhiều hình thức hợp tác song phương và đa phương; có thể là hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực của cả hệ thống thông qua các nguồn ODA, hoặc hợp tác, hỗ trợ đầu tư cơ sở dạy nghề đạt chất lượng cao, đào tạo những nghề đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế…, thông qua các chương trình, dự án cụ thể.