Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đào tạo nghề trên nền học vấn căn bản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên lề hội thảo "Đối thoại chính sách khu vực về nhân sự đào tạo nghề" (diễn ra ngày 22 và 23/4), trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT đã thẳng thắn bày tỏ những quan điểm trong việc quản lý và đào tạo nghề hiện nay, để cải thiện tình trạng thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn cao, thiếu giáo viên dạy nghề.

Kinhtedothi - Bên lề hội thảo "Đối thoại chính sách khu vực về nhân sự đào tạo nghề" (diễn ra ngày 22 và 23/4), trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT đã thẳng thắn bày tỏ những quan điểm trong việc quản lý và đào tạo nghề hiện nay, để cải thiện tình trạng thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn cao, thiếu giáo viên dạy nghề.
Xã hội hóa đào tạo kỹ năng nghề

Thưa ông, dự kiến, cuối năm nay, cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức ra đời, công tác đào tạo nghề cần được quan tâm như thế nào để việc dịch chuyển lao động có lợi thế cạnh tranh?Đào tạo nghề trên nền học vấn căn bản - Ảnh 1

- Khi Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ có câu chuyện di chuyển và tăng cường trao đổi các hoạt động về giáo dục. Điều đầu tiên là chất lượng lao động của Việt Nam phải đạt được các tiêu chuẩn để cạnh tranh được với lao động nước ngoài. Tuy nhiên, lao động của chúng ta hiện nay ở một số ngành thì tốt, một số ngành lại chưa (ví dụ như các kỹ năng về kỹ thuật, các kỹ năng mềm, ngoại ngữ). Để chuẩn bị hội nhập ASEAN, Chính phủ có sự chỉ đạo rất quyết liệt. Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ LĐTB&XH xây dựng Khung trình độ quốc gia được tham chiếu bởi Khung trình độ châu Âu và Khung trình độ của ASEAN. Đó là cơ sở để công nhận văn bằng chứng chỉ ở trong nước và tiếp đến là sự thừa nhận của các nước trong khu vực ASEAN. Hiện nay, bản đề án lần cuối cùng đã hoàn thành, tháng 5 tới sẽ được trình Chính phủ phê duyệt.

Khi thực hiện Khung tham chiếu trình độ ASEAN, Việt Nam sẽ gặp những khó khăn gì, thưa ông?

- Chúng ta gặp khó khăn khi làm khung trình độ chung, đó là nhận thức của các cấp liên quan và DN. Thị trường việc làm trong nước hơi thiếu, cho nên đôi khi người ta tuyển dụng lao động có trình độ cao hơn so với nhu cầu. Chẳng hạn, vị trí công việc chỉ cần trình độ công nhân, nhưng họ lại tuyển cử nhân. Khi thực hiện khung trình độ chung, áp các bậc lương tiêu chuẩn thì DN trả theo chuẩn mực đào tạo ở những khung đó. Nhưng các trường phải làm sao đào tạo cho ra được trình độ ở những khung ấy (về kiến thức, kỹ năng, thái độ, mức độ tự chủ và trách nhiệm với công việc). Đó là cái khó trong việc chuyển khung trình độ vào khung chương trình, nhất là khi chúng ta có nhiều ngành nghề, mà lại đang thiếu đội ngũ, đặc biệt là thầy.

Vậy cải thiện tình trạng này thế nào, thưa ông?

- Trong bối cảnh hiện nay, 5 đến 10 năm nữa, không còn cách nào khác là Việt Nam phải mạnh về tư nhân hóa đào tạo kỹ năng tại DN.

Vấn đề không phải Bộ nào quản lý

Thưa ông, từ 1/7 tới, Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, nếu Bộ GD&ĐT tham gia công tác giáo dục nghề nghiệp có thuận lợi hơn so với các bộ, ngành khác?

- Phải thấy rằng, Bộ GD&ĐT là cơ quan làm công tác quản lý Nhà nước. Theo xu hướng chung của thế giới, giáo dục đào tạo là hệ thống tốt bởi đảm bảo các chuẩn mực về trình độ, văn bằng thống nhất. Một trong những chiến lược mà Nhà nước xác định đó là xã hội hóa công tác đào tạo nghề, Nhà nước phải nghĩ ra cơ chế cho DN đào tạo các kỹ năng nghề.

Cơ quan quản lý Nhà nước làm những việc chính là thiết kế về cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, định mức, cung cấp thông tin thị trường lao động để các đơn vị định hướng. Xu hướng là phân cấp cho các địa phương, trao quyền tự chủ cho họ mở ngành đào tạo thích ứng nhanh với thị trường lao động. Như vậy đó là sự tích hợp. Một Bộ làm việc chính và tích hợp làm nhiều việc khác. Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia đã ghép mảng giáo dục việc làm và thanh niên vào một Bộ, như thế biên chế từ T.Ư đến địa phương sẽ giảm bớt.

Có ý kiến cho rằng, Bộ LĐTB&XH nên thực hiện đào tạo nghề, bởi họ có dự báo về nguồn nhân lực. Quan điểm của ông thế nào?

- Tôi cho rằng không ổn. Nghề nghiệp không nên giới hạn và đừng quan niệm ở một cấp. Giáo dục đào tạo nhân lực phải gắn với việc làm, đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đều gắn với việc làm. Từ lâu, Trung Quốc đã đưa giáo dục nghề nghiệp về Bộ GD&ĐT. Chúng ta nên chú ý, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật thay đổi nhanh chóng, không thể đào tạo hẹp. Bây giờ, đào tạo trên nền học vấn rất căn bản của THPT, sau đó người ta đào tạo kỹ năng. Thực tế hiện nay, Samsung và một số DN FDI tuyển hàng chục ngàn lao động tốt nghiệp THPT vào đào tạo vài ba tháng. Những học sinh đã tốt nghiệp THPT có nhận thức rất tốt, các kỹ năng mềm được, lúc đó chỉ cần học các kỹ năng kỹ thuật rất nhanh. Do vậy, tư duy đào tạo nghề rất khác. Vấn đề không phải là Bộ nào quản lý mà trao quyền tự chủ cho các trường để họ đáp ứng nhanh với thị trường.

Xin cảm ơn ông!