Câu hỏi đặt ra là: Liệu một trường ngoài công lập chuyên đào tạo kinh doanh, công nghệ có khả năng "cho ra lò" các bác sĩ cứu người?
Được mở ngành khi chưa đủ điều điện
Việc ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được mở ngành Y đa khoa, Dược học như giọt nước làm tràn ly. Bởi chất lượng nhân lực ngành y đang ở mức báo động. Và để nâng cao chất lượng đào tạo thầy thuốc, cuối năm 2014, Bộ GD&ĐT đã “lệnh” cho các trường tạm dừng mở ngành y, dược. Vậy mà “đùng một cái”, Bộ lại đổi ý, “gật đầu” trước đề xuất mở ngành y, dược của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Phản hồi trước dấu hỏi đầy bức xúc của dư luận, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) đẩy "quả bóng" sang Bộ Y tế: “Điều kiện của trường đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế và Bộ Y tế có công văn đồng ý cho mở ngành nên lãnh đạo Bộ GD&ĐT ra quyết định để thực hiện xã hội hóa”. Tuy nhiên, biên bản thẩm định hồ sơ và các điều kiện đảm bảo chất lượng để mở ngành đào tạo Y đa khoa và Dược học của đoàn kiểm tra Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế cho thấy, vẫn còn những điều kiện chưa đáp ứng. Trước tiên, cơ sở của trường ở Từ Sơn (Bắc Ninh) là địa phận ngoài TP, không đủ căn cứ pháp lý để cho phép mở ngành. Bên cạnh đó, với ngành Y đa khoa, theo quy định của Bộ Y tế, phải có 50 giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy, nhưng trường còn thiếu 3 người, trong đó mới có 17 người đủ hồ sơ minh chứng là giảng viên cơ hữu, số còn lại thiếu hợp đồng lao động làm việc toàn thời gian. Rồi ngành Dược học có 31 giảng viên, chỉ 18 người có đủ hồ sơ là giảng viên cơ hữu. Ngoài ra, nhà trường vẫn còn thiếu nhà thuốc và một số dụng cụ phục vụ cho đào tạo những năm cuối của chương trình.
Tại buổi họp với báo giới sáng 28/11, ông Trần Phương - Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, việc thẩm định của 2 Bộ là quá chặt chẽ. Sau 3 năm rưỡi chuẩn bị, thỏa thuận với gần 100 giảng viên, nhà trường bỏ ra gần 100 tỷ đồng để sửa sang phòng học, đầu tư trang thiết bị thực hành. "Bộ GD&ĐT nói trường chuẩn bị đầy đủ là đúng và cho mở thì có gì rộng rãi?" - ông Phương phân trần. Ông Phương cũng cho biết: “Trường chuẩn bị được 47 giảng viên ngành Y đa khoa, đoàn thẩm định nói chưa đủ. Việc mời thêm 3 người nữa không khó, nhưng nếu ký hợp đồng hết thì người ta cũng không dám nhận lương vì các năm học gần cuối mới có giờ dạy”. Vậy nhưng, các chuyên gia y tế và báo giới đều hiểu, ngành y là đặc thù, những người làm nghề liên quan đến tính mạng con người. Cho dù không phải đứng lớp, nhà trường cũng phải có đủ đội ngũ giảng viên ngay từ đầu để làm nghiên cứu khoa học, cập nhật những tiến bộ y khoa thế giới… Vì thế, lý giải của ông Phương không được nhiều người chấp nhận.
Một điều rất quan trọng trong đào tạo ngành y là từ năm thứ nhất, sinh viên đã được học giải phẫu, nhưng nhà trường lại không có cơ sở ngâm xác. Hiệu trưởng trường này phản biện, hiện cả nước mới có 2 trường có cơ sở ngâm xác. “Chúng tôi đã chi sửa sang 28 phòng học và thực hành, mua trang thiết bị hết hơn 80 tỷ đồng. Có người nói là chưa đủ, nhưng nếu mua đủ thì 5 - 6 năm nữa mới sử dụng sẽ bị mốc hết. Cho nên, chúng tôi mua để sử dụng cho 2 năm đầu, năm thứ 3 sẽ mua dần. Chúng tôi đã ký hợp đồng với các đơn vị, nếu cần là họ sẽ mang đến ngay” - ông Phương biện minh. Liệu lý giải này có hợp lý?
Phải nâng điều kiện tiêu chuẩn
Biết rằng, các trường ĐH ngày càng được quyền tự chủ, nên không thể cấm mở ngành đào tạo y khoa khi trường đủ điều kiện. Nhưng ngành y rất đặc biệt, bởi “can thiệp” vào tất cả mọi người trong xã hội. Với riêng mỗi cá nhân, ngành y tác động vào mọi giai đoạn trong cuộc đời, từ khi phôi thai đến lúc ra đời, trưởng thành và trở về với cát bụi. Đối tượng phục vụ chính là người bệnh, đa số có tâm lý lo lắng, gần như phó mặc tính mạng cho thầy thuốc. Bởi vậy, GS.Bác sĩ Phạm Huy Dũng - Viện trưởng Viện Sức khỏe, môi trường và phát triển cho rằng: “Để đổi mới chăm sóc sức khỏe thì phải bắt đầu từ trường y. Chất lượng đào tạo của trường y tốt, việc chăm sóc sức khỏe cho dân tốt. Còn nếu hoạt động đào tạo không ra sao sẽ ảnh hưởng đến hệ thống chăm sóc sức khỏe và cụ thể là người dân”.
Theo GS Dũng, xã hội hóa là tự chủ, nhưng điều đó không có nghĩa khi 2 Bộ cho phép nhà trường mở ngành y rồi thì hết trách nhiệm. Thậm chí phải chịu trách nhiệm trước dân nếu trường đó đào tạo ra bác sĩ không đạt chuẩn. Quan trọng của việc cho phép một số trường tư nhân mở ngành Y đa khoa là dấu hỏi có đảm bảo chất lượng hay không. Vì những người ấy có thể cứu người, nhưng cũng có khi làm chết người.
Quan điểm của GS Dũng được nhiều người đồng tình, khi hiện nay, chương trình đào tạo dù đã đổi mới, nhưng không tiên tiến, sinh viên ngành y vẫn còn thụ động. Trong các trường đào tạo y khoa vẫn còn tình trạng học hộ, thi hộ. Tại bệnh viện, bác sĩ càng kê đơn thuốc nhiều, càng được thưởng cao; kê xét nghiệm được hưởng hoa hồng… “Bác sĩ Cát Tường” là hậu quả nhãn tiền của việc đào tạo chưa chuẩn. Chúng ta có bao nhiêu kỹ thuật hay nhưng làm không quy chuẩn, nên nhiều người Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị; kết quả xét nghiệm của bệnh viện này không được bệnh viện kia thừa nhận.
Rất nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, Việt Nam mới đạt chưa tới 8 bác sĩ/1 vạn dân, mở thêm ngành đào tạo y dược để chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân là cần thiết, nhưng phải làm đúng. Không những thế, hệ thống các trường đang đào tạo về y, dược cũng phải được củng cố chất lượng cả về kỹ thuật cũng như con người. Các tiêu chuẩn để mở ngành y cũng phải được nâng cấp theo hướng hội nhập quốc tế. Giảng viên đào tạo đảm bảo về tiêu chuẩn, nhưng chất lượng cũng phải tăng dần. Và, càng không thể đồng ý cho các GS, PGS, TS có tên tuổi nhưng vài năm liền không có công trình hay bài báo công bố được đứng lớp đào tạo y đa khoa.
Đến tháng 9/2015, cả nước có 41 cơ sở ĐH đào tạo nhân lực y tế. Cùng với đó là 50 cơ sở đào tạo hệ cao đẳng và 72 trường trung cấp. Để nhân lực y tế đảm bảo chất và lượng, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đào tạo phải lấy người học làm trọng tâm, dạy/học dựa vào bằng chứng. Theo ý kiến của các chuyên gia, nên thực hiện rà soát các cơ sở đào tạo đã được cấp phép hoạt động. Đơn vị nào không đảm bảo các điều kiện thì tạm dừng đào tạo đến khi bổ sung đầy đủ. |
Phòng thực hành dược phẩm của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
|
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường: Trường sẽ mất uy tín nếu sinh viên ra trường không có việc làm Nếu tuyển dụng đầu vào không chất lượng và đầu ra cũng không đạt yêu cầu thì chắc chắn sinh viên ra trường sẽ không có việc làm, khi đó trường sẽ mất uy tín và sẽ không thể tiếp tục đào tạo. Chúng tôi ủng hộ việc mở rộng đào tạo nhưng quan trọng nhất là phải có được nguồn nhân lực có chất lượng. Băn khoăn của dư luận về chất lượng đào tạo cũng là hoàn toàn chính đáng, bởi ngành y là ngành đặc thù có những tiêu chí riêng khi đào tạo. GS.TS Phạm Mạnh Hùng - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam: Giải pháp chưa hoàn hảo Vấn đề đào tạo cán bộ y tế, đặc biệt là đào tạo đội ngũ thầy thuốc, bác sĩ, điều dưỡng cần phải có các tiêu chuẩn, tiêu chí đặc biệt. Bởi sau này khi ra trường, đội ngũ này thực hiện các công việc liên quan đến sinh mạng con người, do đó đào tạo ngành y - dược khác hẳn với nghề nghiệp khác. Nếu nói rằng mở rộng đầu vào, thắt chặt đầu ra, tôi cho rằng đó là giải pháp chưa hoàn hảo. Trước hết, những người làm công tác y cần được tuyển chọn theo một tiêu chí nhất định chứ không tuyển chọn chung chung. Thậm chí ở nhiều nước, họ đặt ra tiêu chuẩn tuyển chọn khắt khe. Hơn nữa, nghề y là một nghề thực hành nên cần phải có năng khiếu và tay nghề. Vì thế, khâu tuyển chọn rất quan trọng. |
TS.Bác sĩ Võ Xuân Sơn - Phòng khám Đa khoa quốc tế Exson: Đừng để người dân gánh chịu hậu quả Để đào tạo trình độ ĐH hệ chính quy ngành Y đa khoa, về cơ sở vật chất, trường phải có ít nhất là Phòng xác với đủ số lượng xác, có đủ số lượng phòng thí nghiệm vi sinh, sinh học... Ngoài cơ sở vật chất cho các môn khoa học cơ bản, còn phải có cơ sở thực nghiệm và thực tập. Cơ sở thực nghiệm là nơi các sinh viên tập khám chữa bệnh trên phần mềm, trên mô hình... Cơ sở thực tập là các bệnh viện và thực tập trên bệnh nhân là người bệnh thực sự. Không biết ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có đủ cơ sở vật chất như vậy không? Về nhân sự, với số lượng “khủng” GS, PGS, TS như ở nước ta, chắc đó không phải là vấn đề khó đối với trường này. Tuy nhiên, để có được đội ngũ giảng viên thực sự có đủ khả năng giảng dạy, đào tạo lại là chuyện khác. Theo tôi biết, số lượng các GS, PGS, TS biết giảng dạy, soạn thảo giáo trình giảng dạy y khoa của chúng ta không nhiều. Nếu thiếu lực lượng "đặc biệt tinh nhuệ" này, dù cho cơ sở vật chất tốt đến mấy cũng không mang lại hiệu quả. Vậy nên, đừng để người dân phải gánh chịu hậu quả của những tùy tiện từ ngành giáo dục. |