Đây là quy định mới trong dự thảo lần 1 Thông tư Quy định về đào tạo trình độ trung cấp (TC), trình độ cao đẳng (CĐ) theo hình thức đào tạo thường xuyên vừa làm vừa học của Bộ LĐTB&XH bắt đầu lấy ý kiến góp ý từ hôm nay 17/5.
Dự thảo quy định, trường hợp tổ chức đào tạo theo niên chế, thời gian khóa học có thể dài hơn thời gian đào tạo chính quy. Nhưng, tổng thời gian khóa học tối đa không quá 2 lần so với thời lượng cùng ngành, nghề, trình độ đào tạo.
Khi nhà trường tổ chức đào tạo theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ, thời gian khóa học được tính bằng thời gian người học tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ quy định trong chương trình đào tạo cùng ngành, nghề, trình độ đào tạo.
Các cơ sở giáo dục đào tạo vừa làm vừa học trình độ TC, CĐ sử dụng các phương pháp tích cực, lấy người học làm trung tâm. Đồng thời, kết hợp giữa dạy lý thuyết với thực hành, lấy thực hành là chính, gắn đào tạo với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm phát huy vai trò chủ động, năng lực tự học và kinh nghiệm của người học. Cùng với đó là sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông để nâng cao chất lượng, hiểu quả dạy và học.
Dự thảo thông tư quy định trường TC chỉ được tuyển sinh đào tạo trình độ TC theo hình thức đào tạo thường xuyên vừa làm vừa học đối với ngành, nghề đào tạo khi có ít nhất một khóa đào tạo cùng ngành, nghề đã tốt nghiệp và được sở LĐTB&XH – nơi trường tổ chức đào tạo cho phép bằng văn bản.
Còn, trường CĐ được tuyển sinh trình độ TC, CĐ theo hình thức đào tạo thường xuyên vừa làm vừa học đối với ngành, nghề đào tạo khi có ít nhất một khóa đào tạo cùng ngành, nghề, trình độ đào tạo đã tốt nghiệp và được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho phép bằng văn bản.
Các cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục trình độ CĐ chỉ được tuyển sinh trình độ này theo hình thức đào tạo thường xuyên vừa làm vừa học đối với ngành, nghề đào tạo khi có ít nhất một khóa đào tạo cùng ngành, nghề đã tốt nghiệp và được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho phép bằng văn bản.