Đáp án của hạnh phúc!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi khi nghe con gái về nhà than thở nào là khổ quá, không có nhiều tiền để mua cái nọ cái kia, cuộc sống thật nhiều bức bối, thật nhiều điều chưa vừa lòng… không thấy hạnh phúc gì cả, bà chỉ cười.

Bà bảo con, “vợ chồng con thu nhập có ít gì đâu, nhà cửa, ô tô đầy đủ, con cái ngoan ngoãn học hành, sao con cứ thở ngắn than dài thế hả. Hay vợ chồng con có chuyện gì”. Cô ngơ ngác, “có chuyện gì đâu mẹ. Chỉ là con cảm thấy vẫn thua kém nhiều người, vẫn chưa đạt được những điều mình muốn thôi”.

Nhìn con, bà chợt thấy khó hiểu khi trước đây cuộc sống con người còn khó khăn về kinh tế, cả tháng mới được vài lạng thịt mua theo phiếu, xếp hàng mới mua được cân rau muống mậu dịch, thì hình như con người không thấy đó là điều bất hạnh lớn. Còn giờ đây, kinh tế khá giả lên, mọi người đều có cơ hội học hành, làm giàu, lại vẫn nhiều người kêu khổ. Những người trẻ được sung sướng về vật chất vẫn cảm thấy cô đơn và chán chường, không ít người còn cảm thấy cuộc sống ngột ngạt, không lối thoát. Như vậy, thực tế hạnh phúc là gì? Làm sao để mình luôn cảm thấy hạnh phúc?

Bà nhớ những người bạn già mỗi lần ngồi với nhau chia sẻ về cuộc sống, đều tự hỏi thế nào là hạnh phúc? Nhưng để có đáp án chính xác thì quả rất khó. Nói một cách đơn giản, hạnh phúc là cảm giác vui sướng khi mình đạt được điều mình khao khát, mong đợi. Tuy nhiên, mỗi thời điểm, mỗi lứa tuổi con người lại có những mong ước khác nhau. Một cháu bé cảm thấy hạnh phúc khi cuối tuần được cô giáo phát phiếu bé ngoan. Một chàng trai khao khát có người yêu thì cảm thấy hạnh phúc ngất ngây khi được cô bạn gái nhận lời tỏ tình. Một người đói cũng có cảm giác sung sướng khi được ăn một bữa no. Một người đi xe đạp cả đời sẽ vô cùng sung sướng khi mua được chiếc xe máy mới. Một đôi vợ chồng muộn có con, sẽ rất hạnh phúc khi được bác sĩ báo tin: “anh chị sắp có em bé”…

 Quay lại con, bà bảo: “Có lẽ con cũng như nhiều người bây giờ, không bao giờ hết ước mơ, không dừng lại ở một điểm nào đó, vì vậy, hạnh phúc không phải là một cái đích, mà là một con đường phấn đấu đạt được những mong ước của mình. Với một người nghèo, hạnh phúc là đạt được cơm no áo ấm. Nhưng khi đã đạt được điều đó rồi, người ta lại mong ước cao hơn, lại phải phấn đấu để có cơm ngon áo đẹp… Cứ như vậy, mơ ước sau cao hơn mơ ước trước, cái ta cảm thấy hạnh phúc hôm nay sẽ trở thành bình thường của ngày mai, vì vậy con người khó cảm thấy hạnh phúc thực sự khi có những mong ước vô tận và viển vông. Nhưng chỉ có người nào biết thế nào là đủ, thế nào là được, mới có thể cảm thấy hạnh phúc. Mẹ nghĩ rằng, con người hạnh phúc là con người biết trân trọng, góp nhặt từng niềm vui nho nhỏ của cuộc sống hàng ngày chứ không phải là đạt được mọi điều mình mong muốn… Con nên suy nghĩ về điều ấy trong cách sống của mình chăng”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần