Dự báo trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Hà Nội phải thu hồi, GPMB gần 40.000ha đất, đây là một nhiệm vụ rất nặng nề. Trong khi đó, theo Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều của Luật Đất đai năm 2013, các tổ chức phát triển quỹ đất (PTQĐ) phải được thành lập và tổ chức lại nhằm đáp ứng yêu cầu mới… Ông Trần Huy Dũng - Giám đốc Trung tâm PTQĐ TP Hà Nội (trực thuộc Ban Chỉ đạo GPMB TP) đã trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.
Nghị định 43/2014/NĐ-CP yêu cầu phải cơ cấu lại các tổ chức PTQĐ cho phù hợp với tình hình mới. Ông có thể nói rõ về việc này?
- Theo Nghị định 43 của Chính phủ, Tổ chức PTQĐ phải được thành lập hoặc tổ chức lại trước ngày 31/12/2015. Đối với các địa phương đã có Tổ chức PTQĐ cấp tỉnh và cấp huyện thì tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất 2 đơn vị hiện có. Tổ chức này có chức năng tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các dịch vụ khác.
Trung tâm PTQĐ TP Hà Nội ra đời và hoạt động đã gần 10 năm, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của mô hình này?
- Trung tâm ra đời vào đầu năm 2005 nhằm thực hiện Luật Đất đai năm 2003. Trong gần 10 năm qua, Trung tâm đã thực hiện GPMB tổng cộng trên 300ha đất; đấu giá thành công 1,31ha đất tại đường Trần Duy Hưng. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng hoàn chỉnh công tác GPMB, đầu tư hạ tầng kỹ thuật một số khu đất đấu giá khác trên địa bàn TP… Có thể nói, dù vẫn còn một số hạn chế khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, song việc hình thành và phát triển của Trung tâm đã đạt được mục tiêu chung là phù hợp với yêu cầu khách quan, hoạt động có tính chuyên nghiệp và từng bước góp phần tăng thêm quỹ đất để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Luật Đất đai 2013 ra đời và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, theo tôi, việc tổ chức lại các Trung tâm cho phù hợp với tình hình mới là đòi hỏi tất yếu, đặc biệt là giai đoạn tới (từ năm 2014 - 2030), TP Hà Nội tiếp tục phải GPMB với khối lượng rất lớn để phục vụ các dự án phát triển hạ tầng giao thông đô thị và các dự án kinh tế - xã hội khác.
Ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch thực hiện GPMB của TP trong giai đoạn tới?
- Theo dự báo chung của TP, đến năm 2020, tổng diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn khoảng 128.900ha, trong đó, đất xây dựng đô thị khoảng 73.000ha (chiếm khoảng 21,8% diện tích tự nhiên), chỉ tiêu khoảng 160m2/người. Đến năm 2030, tổng diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn khoảng 159.600ha, trong đó, đất xây dựng đô thị khoảng 94.700ha (chiếm khoảng 28,3% diện tích tự nhiên), chỉ tiêu khoảng 150m2/người. Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của TP). Trong giai đoạn 2014 - 2030, toàn TP phải GPMB 39.766ha đất để phục vụ xây dựng đô thị, GTVT, khu chế xuất công nghiệp, hạ tầng xã hội... Như vậy, trung bình mỗi năm, TP phải thu hồi 2.485ha đất với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ xấp xỉ 25.000 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề.
Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với công tác GPMB của TP, theo ông, việc tổ chức lại các tổ chức PTQĐ như thế nào là phù hợp?
- Tôi đề xuất 2 phương án. Phương án 1: Thực hiện theo Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập để tổ chức lại Trung tâm PTQĐ TP trực thuộc Ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội và Trung tâm Giao dịch đất đai và PTQĐ trực thuộc Sở TN&MT Hà Nội thành một tổ chức PTQĐ trực thuộc UBND TP, có chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã. Hoặc tổ chức lại Trung tâm PTQĐ TP trực thuộc Ban Chỉ đạo GPMB TP, Trung tâm Giao dịch đất đai và PTQĐ trực thuộc Sở TN&MT thành 2 Tổ chức PTQĐ trực thuộc UBND TP và phân chia địa bàn phụ trách, có chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã.
Phương án 2: Tổ chức lại Trung tâm PTQĐ TP tiếp tục trực thuộc Ban Chỉ đạo GPMB TP và Trung tâm Giao dịch đất đai và PTQĐ tiếp tục trực thuộc Sở TN&MT và phân chia địa bàn phụ trách, có chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã. Cả 2 phương án này đều phù hợp với quy định tại Nghị định số 43 của Chính phủ.
Xin cảm ơn ông!
Kinhtedothi - Khu đô thị mới Kim Chung, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng |