Đó là mục tiêu Ban chấp hành Công đoàn TP nhiệm kỳ 2013 - 2018 lấy làm "kim chỉ nam" cho hoạt động và trước hết thể hiện ở "Tháng Công nhân" này. Tuy nhiên, giữa bộn bề những khó khăn của cuộc sống, vẫn cần Công đoàn đến gần hơn, quan tâm hơn nữa đến nhu cầu sát thực của CNLĐ.
Những mong muốn đời thường
Thời gian làm việc dài, cường độ cao, lương thấp, mức sống đạm bạc và đặc biệt rất ít được tham gia vào các hoạt động văn hóa tinh thần. Đó là những điều được đúc rút từ đời sống CNLĐ trong khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) hiện nay. Không phải các cấp Công đoàn ở những nơi này không nỗ lực để mang lại cho người lao động (NLĐ) một cuộc sống tinh thần đầy đủ, nhưng dường như các hoạt động mới chỉ ở bước khởi động.
Tiền lương, thu nhập của CNLĐ chưa tương xứng với cường độ và thời gian lao động. Có nơi lương không đủ để tái tạo sức lao động. Theo khảo sát mới đây đối với hơn 2.200 lao động tại 30 doanh nghiệp cho thấy: Có tới 48,9% NLĐ có mức lương dưới 2 triệu đồng/tháng; chỉ 16,5% NLĐ có lương 2,5 - 3 triệu đồng và 24,6% có lương trên 3 triệu đồng. Chị Phạm Thị Tiến (công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam) cho biết: "Nếu so với nhiều doanh nghiệp trong KCN Bắc Thăng Long, Canon vẫn được coi là nơi có mức lương khá lý tưởng. Các chế độ cho công nhân, những ưu đãi về trợ cấp đời sống rất tốt, hoạt động văn hóa tinh thần cũng khá đầy đủ. Nhưng với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng để nuôi một đứa con đang tuổi ăn học trong điều kiện giá cả tăng liên tục như hiện nay không hề dễ".
Tổ chức Công đoàn các cấp đã tích cực chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động. Ảnh: Tú Oanh
Tình trạng chung ở nhiều KCN là thiếu trầm trọng nhà trẻ, trường mầm non, trạm y tế và nơi vui chơi giải trí... Đặc biệt, vấn đề nhà ở cho CNLĐ vẫn là nhu cầu rất bức xúc. Sau hai năm thực hiện chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân KCN, đến nay, đã có 110 dự án được đăng ký, ước tính giải quyết nhà ở cho khoảng 960.000 người, nhưng mới chỉ có 25 dự án được khởi công, 9 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Phần lớn NLĐ vẫn đi thuê nhà và phải sống trong các khu nhà chật chội, tạm bợ. Chưa kể việc thực hiện chính sách tiền lương cho NLĐ chưa đúng quy định diễn ra ở nhiều nơi.
Quản lý kỹ thuật Công ty DaiWa Plastics Thăng Long (KCN Bắc Thăng Long) Tạ Đức Khôi thừa nhận: Công nhân đang phải thuê nhà trọ ở những căn phòng quá xập xệ. Nhiều khi chúng tôi tới thăm mà không khỏi xót xa. Cũng chính vì thuê trọ và chi phí sinh hoạt hàng ngày là hết lương, nhiều công nhân có tay nghề cao gắn bó với công ty 5 - 6 năm vẫn bỏ việc về quê.
Sát thực với người lao động
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội Trần Văn Thực, tuy TP đã có nhiều quan tâm, nhưng đời sống của CNLĐ vẫn gặp không ít khó khăn. Chỉ khi đáp ứng tối thiểu các nhu cầu về vật chất, tinh thần thì NLĐ mới yên tâm làm việc lâu dài và mới có điều kiện tái tạo sức lao động. Bởi thế, trong thời gian tới, LĐLĐ TP tiếp tục tham mưu đề xuất TP tạo cơ chế, chính sách để xây dựng đồng bộ hạ tầng cơ sở (nhà ở, nhà trẻ, trường học, khu văn hóa) cho công nhân tại các KCN trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản 90 - 95% công nhân đang làm việc tại các KCN tập trung ổn định về chỗ ở. Tiếp tục tạo điều kiện cho công nhân nghèo vay vốn phát triển kinh tế; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nữ công nhânơ...
Để chăm lo và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của CNLĐ, theo lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, ngay trong "Tháng Công nhân" năm 2013, các cấp Công đoàn sẽ đẩy mạnh các hoạt động của các tổ tự quản, khu nhà trọ CNLĐ. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, nhất là việc ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, các chế độ, chính sách về tiền lương, tiền thưởng...
Ngay trong dịp lễ 30/4, 1/5, Công đoàn các cấp tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn; nắm bắt tình hình việc làm, đời sống của công nhân; phát hiện sớm những bất cập, vướng mắc để cùng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng giải quyết bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Cùng với đó, tiếp tục vận động việc thành lập các tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và triển khai thực hiện Luật Công đoàn (sửa đổi), Bộ Luật lao động (sửa đổi)...
Mặc dù chỉ chiếm gần 29% tổng lực lượng lao động xã hội và 15% dân số cả nước, nhưng giai cấp công nhân Việt Nam đang đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và 70% ngân sách Nhà nước, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước. |