Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đáp ứng tiêu chuẩn ngay từ gốc để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên minh châu Âu (EU) là một thị trường phát triển ở trình độ cao nên các hệ thống ki...

Kinhtedothi - Liên minh châu Âu (EU) là một thị trường phát triển ở trình độ cao nên các hệ thống kiểm soát về quy chuẩn và tiêu chuẩn hàng hóa tại thị trường này rất phức tạp, do vậy để tiếp cận thành công, đón đầu hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam-EU, doanh nghiệp phải có chiến lược bài bản, nâng cao trình độ quản lý và ứng dụng khoa học công nghệ mới.

Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trần Quốc Khánh tại Hội thảo: Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật xuất khẩu sang thị trường EU, do Mutrap phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tư nhân tổ chức sáng 19/6.

 
Kiểm soát chất lượng hàng hóa ngay từ gốc để đẩy mạnh xuất khẩu (Ảnh: TTXVN)
Kiểm soát chất lượng hàng hóa ngay từ gốc để đẩy mạnh xuất khẩu (Ảnh: TTXVN)
Theo thứ trưởng Trần Quốc Khánh, hiện chỉ có khoảng 42% mặt hàng của Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU, tuy nhiên nếu ký thành công Hiệp định thương mại tự do FTA giữa Việt Nam-EU sẽ có 90% mặt hàng Việt Nam được hưởng mức thuế 0%, điều này sẽ mở ra cơ hội to lớn cho hàng hóa của Việt Nam.

Tuy nhiên, một trong những rào cản kỹ thuật lớn nhất của hàng hóa Việt Nam khi xuất sang EU là các biện pháp chống phá giá, trong đó có Hiệp định về hàng rào kỹ thuật đối với Thương mại (TBT) và Hiệp định về việc áp dụng các Biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS).

Ông Lê Quốc Bảo, nguyên Giám đốc văn phòng TBT cho biết, để vượt qua những thách thức này doanh nghiệp cần tìm hiểu và cập nhật thông tin về thị trường trước khi xuất khẩu và đề xuất với cơ quan nhà nước xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ông Bảo cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước khi xây dựng văn bản pháp luật cần minh bạch, có sự tham gia của các Hiệp hội để doanh nghiệp đóng góp ý kiến, tránh việc áp đặt, không phù hợp với thực tiễn.

Đồng quan điểm trên, theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), thị trường EU luôn đòi hỏi nhà nhập khẩu phải đáp ứng nhiều chỉ tiêu khắt khe về kỹ thuật. Bên cạnh đó các quy định pháp lý liên quan đến thời gian giao hàng, số lượng hàng… theo hợp đồng rất chặt chẽ.

Do vậy, ngay từ bây giờ doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin về quá trình đàm phán FTA, sớm hoàn thiện các quy định về xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi. Xây dựng kế hoạch để có thể tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực. Đồng thời nắm vững các tiêu chuẩn kỹ thuật, thói quen tiêu dùng của thị trường này để đảm bảo khi kết thúc đàm phán doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa các cơ hội xuất khẩu.

"Về dài hạn cần có chính sách để nâng cao giá trị gia tăng, nhất là các mặt hàng như dệt may, điện tử, giày dép do phải nhập khẩu nguyên liệu còn lớn," bà Nga nêu ý kiến.

Năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU đạt trên 33,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2012, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 24,3 tỷ USD, tăng 19%, nhập khẩu đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 7,5%. Riêng 5 tháng năm 2014, ước xuất khẩu vào thị trường EU đạt 11,62 tỷ USD tăng 11,7% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Hiệp định FTA giữa Việt Nam-EU chuẩn bị bước vào phiến đàm phán thứ 8, dự kiến có thể kết thúc đàm phán vào cuối năm 2014 sẽ là cơ hội rất lớn để thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, cũng như là đòn bẩy để hàng Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Để hàng hóa có thể bán tại thị trường EU, các doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc tìm hiểu Luật thực phẩm của EU, quy định về việc dán nhãn mác, cách đóng gói cũng như các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm… doanh nghiệp cần học và áp dụng hiệu quả những phương thức quản lý cũng như đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho người tiêu dùng ngay từ gốc," ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị.