Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đặt chỉ tiêu tăng trưởng 8 - 8,5%

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 4/12, HĐND TP đã thảo luận tại hội trường và thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội và thu, chi ngân sách năm với chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 8,0 - 8,5%.

>>>Khai mạc kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hà Nội khóa XIV

>>>Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng không đạt kế hoạch

Tạo niềm tin để cứu doanh nghiệp

Thảo luận sâu về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong năm 2013, nhiều ĐB đặc biệt quan tâm đến các việc hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát huy các quỹ của Thành phố trong việc hỗ trợ đầu tư… Tuy nhiên, nhiều ĐB băn khoăn, thành phố đã có gói 100 tỷ đồng  hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp vay, dù "số tiền vốn rất nhỏ so với nhu cầu, nhưng lại giải ngân rất chậm, mới được hơn hơn 17%.

Việc cần những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được đặt ra. ĐB Nguyễn Hoài Nam (quận Hai Bà Trưng) cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không nên chỉ nói chung chung, người ta dễ hiểu là chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn, bất động sản, cần chú ý tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi đối tượng lao động làm việc ở khu vực này rất lớn, nếu hỗ trợ tốt sẽ góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Đặt chỉ tiêu tăng trưởng 8 - 8,5% - Ảnh 1

Các đại biểu ấn nút thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ Kinh tế - xã hội, An ninh, quốc phòng năm 2013. Ảnh Thanh Hải.

Đưa ra một góc nhìn khác, ĐB Lê Văn Thành (quận Thanh Xuân) nhận định, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nguồn thu cho thành phố, mấu chốt là phải cải thiện chính sách tiền tệ. ĐB Nguyễn Ngọc Tuấn (huyện Quốc Oai) cũng đề xuất: Để phá băng thị trường bất động sản, giải quyết hàng tồn kho, thành phố nên mua căn hộ thương mại để chuyển sang quỹ nhà ở xã hội; điều chỉnh chia nhỏ căn hộ để tăng tính thanh khoản, rà soát các nợ đọng vốn xây dựng cơ bản.

Không nên bỏ quên các vấn đề xã hội

Cùng với các vấn đề phát triển kinh tế, nhiều đại biểu cũng đề cập đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội thành phố đã đặt ra, đề nghị quan tâm đúng mức đến KHCN, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có các chính sách xây dựng nông thôn mới; cụ thể hóa hơn các giải pháp về bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường khu công nghiệp và làng nghề; những giải pháp tuyên truyền khuyến khích dùng hàng Việt Nam, bổ sung vai trò quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, bởi đây là một việc rất nóng nhưng lại chưa được thành phố thể hiện trong phần giải pháp.

Tiếp thu và giải trình thêm các vấn đề ĐB đặt ra, lãnh đạo thành phố khẳng định, những chỉ tiêu đặt ra cho năm 2013 đúng là một thách thức lớn trong tình hình khó khăn hiện nay, nhưng không phải vì khó khăn mà không đặt ra để phấn đấu. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục quan tâm đến việc hỗ trợ DN và ổn định an sinh.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cho rằng, mặc dù khó khăn, nhưng DN cũng cần cố gắng tái đầu tư trong nội bộ. Với đề xuất hồ trợ thị trường bất động sản bằng cách mua lại nhà thương mại để làm nhà tái định cư, Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng đây là một ý tưởng tốt, nhưng phải xây dựng được cách làm phù hợp. Cùng với đó, thành phố đang tiến tới cơ chế đền bù GPMB sát giá thị trường và người dân dùng tiền đó mua nhà ở thương mại thay cho tái định cư.

* Thông qua Nghị quyết về thu chi ngân sách năm 2013

Chiều 4/12, HĐND TP đã xem xét và thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách thành phố Hà Nội năm 2013 và kế hoạch đầu tư trung hạn từ ngân sách thành phố 3 năm 2013-2015. Trong đó, UBND xây dựng dự toán thu bằng số dự toán Chính phủ giao (tăng 16,3% số thực hiện năm 2012). Đồng thời đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp điều hành ngân sách năm 2013, trong đó có chủ trương phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu địa phương trong 3 năm 2013-2015 đầu tư cho 7 công trình trọng điểm giai đoạn 2011-2015; xử lý dứt điểm các tồn tại về thu tiền sử dụng đất; tập trung thu hồi các khoản nợ ngân sách, giảm dần nợ cũ…

Việc chi ngân sách được thực hiện trên quan điểm tiết kiệm chi thường xuyên, kiên quyết cắt giảm các khoản chi không hiệu quả, đặc biệt trong việc tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, tham quan, học tập, đi công tác trong và ngoài nước, các khoản mua sắm không thật sự cần thiết…