Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đặt đá xây dựng Khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa được xây dựng theo phương án thiết kế "Người mẹ thắp lửa -Ngọn lửa Tưởng niệm và thắp sáng hy vọng".

Sáng nay (17/1), tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi và Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng Lao Động tổ chức Lễ đặt viên đá, khởi công xây dựng công trình Khu tượng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” trên núi Thới Lới, đảo Lớn Lý Sơn. 

Đến dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, các Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Đặt đá xây dựng Khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” - Ảnh 1
Nghi lễ đổ cát Hoàng Sa chính thức xây dựng Khu tưởng niệm Hoàng Sa.
Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa được xây dựng theo phương án thiết kế "Người mẹ thắp lửa -Ngọn lửa Tưởng niệm và thắp sáng hy vọng" mang hình ảnh người mẹ đứng trên bờ biển trông ngóng, làm ngọn hải đăng soi sáng cho những người con trở về. 

Đây là mô hình thiết kế của kiến trúc sư Trần Văn Dũng, được tuyển chọn từ hơn 100 bản vẽ, mô hình tham gia Cuộc thi phác thảo đồ án thiết kế xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa do Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam phát động cách đây hơn một năm. 

Phát biểu tại buổi Lễ, Ông Đặng Ngọc Tùng-Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam khẳng định: Trải qua các thời kỳ lịch sử, Lý Sơn là nơi tập trung dân binh, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đảo Lý Sơn như một bảo tàng sống về Hoàng Sa với những di tích lịch sử, văn hóa. Đặc biệt là những di chỉ của Triều đình nhà Nguyễn cho ngư dân Lý Sơn ra khai phá ở đảo Hoàng Sa, Trường Sa. 

Theo ông Đặng Ngọc Tùng, việc chọn Lý Sơn để xây dựng Khu tưởng niệm Hoàng Sa là rất phù hợp và mang nhiều ý nghĩa. "Tôi hy vọng rằng, Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa sau khi hoàn thành sẽ trở thành một trong những công trình lịch sử, văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất  nước"- Ông Tùng khẳng định.

Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa được xây dựng bằng nguồn xã hội hóa, trên diện tích gần 2 héc ta trên sườn núi Thới Lới, cạnh khu vực Chùa Hang, thuộc xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn. Toàn bộ công trình sẽ được thiết kế thành công viên cộng đồng, mang tính thẩm mỹ và trường tồn với thời gian… 

Đây là công trình văn hóa, là nơi để đồng bào trong và ngoài nước, những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới đến thăm viếng, ngưỡng vọng, tưởng nhớ và tri ân các thế hệ người con đất Việt đã hiến dâng thân mình cho công cuộc xác lập, thực thi bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Máu thịt và tâm hồn của họ đã hòa quyện với cát, đá và biển khơi của Tổ quốc, trở thành tinh anh của nghĩa sĩ Hoàng Sa.
Tặng quà cho các nhân chứng Hoàng Sa.
Tặng quà cho các nhân chứng Hoàng Sa.
Việc xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, có ý nghĩa thiêng liêng, sâu sắc không chỉ đối với cán bộ và nhân dân Lý Sơn nói riêng và cán bộ, nhân dân và công nhân lao động cả nước để tưởng niệm, tri ân và biết ơn những người con đất Việt đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, thể hiện đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Việc xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thể hiện tấm lòng của đồng bào, chiến sĩ cả nước luôn đồng hành, kề vai sát cánh cùng bà con ngư dân Lý Sơn, giúp bà con yên tâm tiếp tục bám biển, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; nhắc nhở thế hệ mai sau về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đây là công trình thứ 2 nằm trong chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa – Trường Sa” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động. Công trình thứ nhất là “Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Gạc Ma” được xây dựng tại bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa vào tháng 3/2015.