Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dầu cá Omega 3 ăn mòn xốp không ảnh hưởng đến sức khỏe

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc dầu cá Omega 3 ăn mòn xốp là một phản ứng bình thường, không không gây bất cứ ảnh hưởng nào đến sức khỏe của người sử dụng.

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế trong cuộc họp báo chiều 7/1 liên quan đến sản phẩm này.

Trước thông tin dầu cá Omega 3 ăn mòn xốp ở Quảng Ngãi, Cục ATTP đã yêu cầu Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia tiến hành lấy mẫu phân tích bằng máy và thực nghiệm trên các hộp xốp. Ngoài ra, Cục ATTP cũng đã liên hệ với các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế yêu cầu phối hợp tìm hiểu và cung cấp thông tin chính xác. 

Sáng 7/1, theo kết quả phân tích bằng máy của Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, chưa phát hiện vấn đề gì bất thường trên các mẫu dầu cá Omega 3. Cùng với đó, thử nghiệm trên miếng xốp cho thấy, tất cả các loại dầu cá là thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ các nước như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc đều có hiện tượng ăn mòn này. 

 
Thử nghiệm dầu cá ăn mòn xốp tại cuộc họp báo chiều 7/1
Thử nghiệm dầu cá ăn mòn xốp tại cuộc họp báo chiều 7/1
Theo lý giải, bản chất của dầu cá tự nhiên có chứa các chất béo không este hóa nhưng nếu để nguyên như vậy thì dầu cá rất dễ bị phân hủy, biến chất hay tác dụng không ổn định. Do vậy để đảm bảo ổn định đồng thời để tạo ra các đặc tính có lợi khác, các loại dầu cá đều được este hóa. 

Trong khi đó, bản thân các miếng xốp có thành phần chính là polystyrene nên khi tiếp xúc với dầu cá đã este hóa sẽ gây ra hiện tượng hòa tan hay còn gọi là ăn mòn. Ông Phong cho biết thêm, sáng 7/1, theo thông tin của Chi cục ATVSTP Quảng Ngãi, 2 hộp dầu cá của người dân phát hiện là sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không phải là sản phẩm của Công ty Ngôi Sao Việt. 

Trước sự việc này, Cục ATTP khuyến cáo người tiêu dùng không nên hoang mang và không mua, sử dụng thực phẩm chức năng không có nguồn gốc xuất xứ. 

“Trong thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị công nghệ thông tin để áp dụng phần mềm “check mã vạch” với các sản phẩm thực phẩm chức năng, tạo điều kiện cho người sử dụng phân biệt được hàng thật và hàng giả”, ông Phong chia sẻ.