Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đau đầu bài toán thương hiệu chè Việt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một trong những nguyên nhân khiến dù Việt Nam có chè ngon nhưng vẫn không đứng vững ở thị trường nước ngoài là do doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu nổi tiếng.

KTĐT - Một trong những nguyên nhân khiến dù Việt Nam có chè ngon nhưng vẫn không đứng vững ở thị trường nước ngoài là do doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu nổi tiếng.

Tại cuộc họp báo Hội nghị Quốc tế Chè Việt Nam 2010 lần thứ hai, ngày 26/7, ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho hay, chè Việt Nam có mặt ở 118 quốc gia, đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng và xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong số 130.000 tấn chè xuất khẩu, có tới 99% được các công ty nước ngoài mua về, đấu trộn với chè của họ và làm thương hiệu cho… nước bạn. Bởi thế, thương hiệu chè Việt Nam hầu như không có.

Một trong những nguyên nhân khiến dù Việt Nam có chè ngon nhưng vẫn không đứng vững ở thị trường nước ngoài là do doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu nổi tiếng. Khâu tiếp thị, quảng cáo yếu và chất lượng còn kém.

Ngoài ra, cũng phải kể đến chất lượng chè còn thấp. Ở một số nơi, người nông dân làm chè có tâm lý "bán xong là hết trách nhiệm" nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy cách. Thêm vào đó, sự mất cân đối giữa nguồn cung nguyên liệu với cầu chế biến cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân sử dụng hóa chất kích thích nhằm bán được nông sản thật nhanh.

Để giải quyết vấn đề này, Hiệp hội Chè Việt Nam đã đề xuất cơ quan có thẩm quyền siết chặt quản lý thuốc bảo vệ thực vật, quy hoạch vùng chè…

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hủy bỏ thuế nhập khẩu chè vào Việt Nam. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước mua chè của nước ngoài rồi đấu trộn theo “gu” của chè Việt, bán ngược lại. "Khi ngành đóng gói, bao bì phát triển sẽ là bước ngoặt để người nước ngoài quen dần với thương hiệu chè Việt,” ông Tuân nhấn mạnh.

Từ 2009, Hiệp hội Chè tổ chức Hội nghị Quốc tế Chè Việt Nam thường niên, thu hút khoảng 20 nước tham gia để quảng bá và xúc tiến thương mại cho chè Việt Nam./.

Diễn ra trong 2 ngày (29-30/7/2010), Hội nghị Quốc tế Chè Việt Nam sẽ đưa du khách tham quan, khảo sát vùng trồng, chế biến chè tại Phú Thọ. Bên cạnh việc trưng bày sản phẩm và giới thiệu văn hóa trà sẽ có những hội thảo về chính sách phát triển, nhu cầu tiêu thụ chè ở một số thị trường, thực trạng khách hàng chè Việt…

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, ông Đoàn Anh Tuân, Hội nghị này cũng là diễn đàn cởi mở để người quản lý, sản xuất, kinh doanh chè Việt Nam lắng nghe sự góp ý của các đối tác nước ngoài. Từ đó, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để hội nhập với “làng” chè thế giới, tạo chỗ đứng cho thương hiệu chè Việt.

Đây cũng sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước gặp gỡ, tìm kiếm đối tác với bạn hàng nước ngoài.