Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Đau đầu" vì trường mẫu giáo Bắc Kinh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Là một trường công lập, giáo viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tiền học phí cơ bản của trường Donghuamen do chính phủ phê duyệt là 1.000 tệ mỗi tháng.

KTĐT - Là một trường công lập, giáo viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tiền học phí cơ bản của trường Donghuamen do chính phủ phê duyệt là 1.000 tệ mỗi tháng.

Ở Bắc Kinh, gửi con vào vườn trẻ tốn kém hơn là cho chúng đi học đại học bởi trẻ con thì nhiều mà trường thì ít.

Bài viết dưới đây của Christian Science Monitor phản ánh nỗi đau khổ của những ông bố bà mẹ ở Bắc Kinh khi con đến tuổi mẫu giáo.

Các bậc phụ huynh ở thủ đô của nước đông dân nhất thế giới đang chật vật tìm trường mầm non cho con. Tuy nhiên, do số lượng các trường ít, học phí ngày càng tăng lên.

"Trẻ con thì nhiều mà trường thì ít", cô Li Jian, giám đốc bán hàng của một công ty đồ lót, vừa nói vừa với lấy chiếc ô tô đồ chơi từ dưới gầm ghế sofa cho cậu con trai 2 tuổi.

Chồng cô nói thêm: "Học phí của các trường mầm non tư thục quá đắt, còn để vào được các trường công lập thì lại quá khó. Từ khi con tôi mới sinh ra tôi đã không hy vọng vào được trường công”.

Nhiều bậc phụ huynh và giáo viên cho hay việc tìm được một trường mầm non tốt, thu học phí gần 1.000 tệ một tháng (150 USD), gần như là không tưởng. Thế nhưng, số tiền này đã tương đương với 25% lương trung bình của một người dân ở thủ đô. Nhiều trường thậm chí còn có giá gấp tới 5 lần như thế, khiến nhiều bậc cha mẹ dù khá giả cũng phải đau đầu.

Trong khi đó, học phí và tiền ở cho sinh viên của Đại học Bắc Kinh, một trong số trường tốt nhất Trung Quốc, cũng chỉ có 700 tệ một tháng (102 USD) do được trợ cấp. Còn ở Nhật Bản, một quốc gia khác cũng nổi tiếng chăm lo cho giáo dục mầm non, tiền học phí trung bình trong 2 năm là 500.000 yen (232 USD/tháng). Đối với các trường xịn thì học phí có thể gấp 10 lần số đó. Tuy thế, lương trung bình của công nhân Nhật Bản cũng cao gấp 10 lần so với công nhân Trung Quốc.

Các cơ quan giáo dục ở Bắc Kinh nỗ lực đáp ứng nhu cầu về trường học nhưng không hiệu quả. Sở Giáo dục đã có chính sách tăng sĩ số học sinh từ 35 lên 40 mỗi lớp, và xây thêm lớp để có chỗ cho thêm 12.000 cháu được học.

Họ còn có kế hoạch mở trường cho 12.000 cháu nữa có chỗ trong trường mẫu giáo công. Thế nhưng, dù có làm được như vậy thì khoảng 250.000 trẻ em, tức là hơn một nửa số trẻ ở Bắc Kinh, vẫn không có trường học, theo báo cáo gần đây của Viện Giáo dục khoa học Bắc Kinh.

Các trường mầm non cũng đang phải chịu áp lực rất nặng nề vì số trẻ em sinh ra trong năm 2007 (Đinh Hợi), được coi là năm đẹp theo quan niệm của người Trung Quốc, đến tuổi đi trường mẫu giáo. Theo thống kê chính thức thì tỷ lệ sinh ở Bắc Kinh năm 2007 tăng đột biến tới 25 phần trăm so với năm trước đó và là mức cao nhất trong 2 thập kỷ qua.

Điều đó có nghĩa là các gia đình nghèo hơn ở Bắc Kinh buộc phải nhờ tới ông bà trông trẻ khi mà hầu hết cha mẹ chúng đều đi làm. Đối với nhiều bậc phụ huynh trẻ thuộc tầng lớp trung lưu, ông bà nội ngoại không thể đáp ứng tốt các nhu cầu chăm sóc và dạy dỗ con cho họ. Họ đều mong muốn các thiên thần bé nhỏ - tất cả đều là con một do chính sách một con của Trung Quốc - có một môi trường học thật tốt để theo kịp bước tiến xã hội.

"Chúng tôi luôn so sánh con mình với các đứa trẻ khác", anh Lu Qi, giám đốc kỹ thuật 32 tuổi tại một nhà máy sản xuất đĩa BluRay DVD, cho biết. Từ tháng 6 năm ngoái, anh đã tìm kiếm trường cho đứa con hai tuổi nhập học vào tháng 9 năm nay.

Lu lo lắng rằng con của mình sẽ không có bạn để chơi nếu ở nhà trong khi các gia đình khác đều gửi con đến trường. "Các bậc cha mẹ đều không muốn con mình mất quyền lợi ngay từ vạch xuất phát. Nếu một gia đình gửi con đi học, tất cả các gia đình còn lại cũng phải làm như thế", Lu cho biết.

"Nếu không cho trẻ hòa nhập thì chúng sẽ không học được cách giao tiếp với người khác. Chúng tôi muốn con mình học các kỹ năng xã hội ở trong nhà trẻ", cô Li, giám đốc bán hàng của hãng đồ lót, đồng tình.

"Ngày nay các bậc phụ huynh đều chú ý quan tâm đến giáo dục mầm non cho trẻ. Những đứa trẻ mang trên vai mình hy vọng của cả gia đình, nếu việc giáo dục trẻ mà thất bại thì đó là thất bại của cả gia đình", cô Hao Jianqiu, hiệu trưởng trường mẫu giáo Donghuamen, một trường có tiếng gần Tử Cấm Thành cho biết.

"Việc bố mẹ đầu tư tiền nhiều hơn vào giáo dục trẻ là điều tốt nhưng mặt tiêu cực đó là tạo áp lực ngày càng nặng cho các đứa trẻ. Ngày nay chuyện trẻ 3 tuổi học tiếng Anh là điều bình thường. Chuyện chúng tham gia những lớp học nhạc, taekwondo và cờ tướng vào buổi tối không còn gì xa lạ nữa", cô nói thêm.

Là một trường công lập, giáo viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tiền học phí cơ bản của trường Donghuamen do chính phủ phê duyệt là 1.000 tệ mỗi tháng. Tuy nhiên, cô Hao cho biết vào tháng 9 tới này nhà trường cũng chỉ nhận 110 học sinh trong số 800 trẻ đã đăng ký.

Anh Xing cũng đưa con trai là Xing Yuchen tới Donghuamen xin học. Thế nhưng anh đành nhận ra một thực tế rằng con mình chỉ có thể được vào trường nếu cha mẹ cùng với bé tham gia các buổi luyện thi đầu vào hàng tuần ở đây. Cả Xing lẫn vợ anh làm sao dám bỏ việc để đi luyện cùng con như thế!

Hai trường công lập khác có học phí phải chăng cũng nói với Xing rằng anh không thể tìm chỗ cho con ở đó. Anh đồ rằng bản thân không có mối quan hệ nào trong trường để nhờ vả.

Tình trạng thiếu trường công lập trầm trọng khiến nảy sinh việc bùng nổ các trường tư thục giá cao. Dịch vụ ở đó thì đa dạng nhưng các chủ trường thích hét giá bao nhiêu tùy ý. Cũng có nơi mở ra chỉ đơn giản là để trông trẻ. “Nếu thế thì tôi thà để cháu cho bà trông còn hơn”, Xing nói

Anh đành gửi gắm hy vọng còn lại vào một nhà trẻ trong thành phố ưu tiên cho trẻ Hồi giáo vì anh theo đạo Hồi. Tuy vậy, những trường đó cũng không còn chỗ. "Một người hàng xóm của tôi phải trả 4.500 tệ (660 USD) còn một đồng nghiệp của tôi thì trả 3.700 tệ (544 USD) mỗi tháng cho nhà giữ trẻ", Xing nói.

Nếu trường đạo Hồi cũng không thể xin vào được thì Xing sẽ phải làm việc cật lực hơn để có thể dành dụm tiền cho con đi học. "Chúng tôi không muốn tiêu một số tiền quá lớn như thế, nhưng không có sự lựa chọn nào khác. Tôi không muốn để cháu Xing Yuchen nhà tôi bị kém hơn những đứa khác khi nó vào trường tiểu học”, anh nói.