Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dấu hiệu khi bị sốt xuất huyết

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sốt (nóng) cao 39-40độC , đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn, nôn... Sốt xuất huyết (chảy máu) thường ở nhiều dạng.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 11, dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương khi số trường hợp mắc bệnh này vẫn không ngừng gia tăng.

Trong tháng mười một, trên địa bàn cả nước có 11.300 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, 12 người tử vong. Tính chung mười một tháng qua, cả nước có 71.500 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó đã có 61 trường hợp tử vong, trong đó Đồng Nai là một trong những tỉnh có số người mắc sốt xuất huyết cao nhất của cả nước.

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết giao mùa, cộng thêm môi trường ẩm thấp, nước dâng cao, ngập úng ở cả thành thị lẫn nông thôn, điều kiện vệ sinh kém, ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao chính là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển nếu như công tác phòng bệnh không được thực hiện tốt.

Để chủ động đề phòng, khống chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng, các cơ sở y tế, chính quyền các cấp cần tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch đến người dân; tập trung giám sát dịch để phát hiện sớm các bệnh, ổ dịch mới phát sinh. Đối với người dân thì cần nâng cao ý thức về các bệnh pháp phòng bệnh, vệ sinh sạch sẽ...

Dấu hiệu khi bị sốt xuất huyết

Sốt (nóng) cao 39-40độC , đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn, nôn... Sốt xuất huyết (chảy máu) thường ở nhiều dạng: 

Xuất huyết dưới da: Làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Phân biệt với vết muỗi cắn bằng cách căng da chung quanh chấm đỏ, nếu chúng vẫn còn là do xuất huyết, ngược lại nếu biến mất thì đó là vết muỗi cắn: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng; Ói hoặc đi cầu ra máu (nước ói màu nâu, phân lợn cợn như bã cà phê hoặc đỏ tươi); Xuất huyết tiêu hóa, người có tiền sử đau dạ dày; Rong kinh ở phụ nữ, phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết vàothời điểm chuyển dạ lại càng nguy hiểm hơn vì có thể mất máu nhiều...; Đau bụng.

Sốc là dấu hiệu nặng, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc trẻ đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết. Dấu hiệu sốc gồm: Mệt, li bì hoặc vật vã; Chân tay lạnh; Tiểu ít; Có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu.

 

Quá trình diễn biến của bệnh từ 2 đến 7 ngày, nguy hiểm thường xảy ra ở ngày sốt thứ tư,thứ năm: người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, đái ít, bứt rứt, mạch nhanh nhẹ, huyết áp hạ; nặng hơn nữa là không đo được mạch, huyết áp (biểu hiện của trụy mạch). Người bệnh cần được điều trị tích cực và hỗ trợ truyền máu, không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nặng như sốc, trụy mạch, xuất huyết các cơ quan nội tạng, xuất huyết não... gây nguy hiểm đến tính mạng.