Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đâu là tầm nhìn ASIAD?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần như chắc chắn, TTVN sẽ hoàn thành chỉ tiêu 70 tấm HCV tại SEA Games 27. Nhưng, với giới chuyên môn, tham vọng của TTVN tại SEA Games lần này không chỉ là giành thật nhiều HCV mà còn phải tổng duyệt cho ASIAD 2014 diễn ra tại Hàn Quốc không lâu nữa.

Phá kỷ lục nhưng chưa vươn tầm châu lục

Tại SEA Games 27, TTVN ghi nhận những kỷ lục SEA Games của Ánh Viên (bơi lội), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Nguyễn Văn Lai, Nguyễn Văn Hùng (điền kinh). Trong số này, nữ kình ngư Ánh Viên đã hai lần xô đổ kỷ lục SEA Games. Với giới chuyên môn, kỷ lục của Ánh Viên là không hề bất ngờ bởi thành tích tập luyện của nữ VĐV này vượt khá xa kỷ lục SEA Games. Bất ngờ nhất chính là việc, hai VĐV vốn không nhận được nhiều kỳ vọng giành huy chương là Nguyễn Văn Lai, Nguyễn Văn Hùng đã có sự bùng nổ trong thi đấu.Thế nhưng, ít người biết rằng, trong ngày giành 2 tấm HCV, phá 2 kỷ lục SEA Games nhưng Ánh Viên vẫn bị HLV của mình mắng xối xả. Lý do là Ánh Viên đã thi đấu dưới sự kỳ vọng và thành tích mà cô giành được chưa vươn đến tầm châu lục. Hay nói cách khác, việc ngành thể thao dành tiền tỷ đầu tư cho Ánh Viên, Quý Phước đi tập huấn nước ngoài là để giành huy chương ASIAD. Việc họ thi đấu ở SEA Games cũng chính là cách để chuẩn bị cho sân chơi cấp châu lục. Ấy vậy nhưng, kỷ lục mà Ánh Viên lập tại SEA Games thấp hơn mức giành huy chương ở Asiad rất nhiều.
Kỷ lục Ánh Viên lập tại SEA Games thấp hơn mức giành huy chương ở Asiad rất nhiều.
Kỷ lục Ánh Viên lập tại SEA Games thấp hơn mức giành huy chương ở Asiad rất nhiều.
Ánh Viên đã vậy, thành tích của Nguyễn Văn Lai, Nguyễn Văn Hùng và Thạch Kim Tuấn còn cách ngưỡng giành huy chương ở ASIAD một khoảng rất xa. Và cả Hoàng Quý Phước nữa, anh đã bị hụt hơi trong cuộc đua với các đối thủ đến từ Đông Nam Á thì sao có thể tranh hùng với những VĐV đến từ nền thể thao mạnh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc?

Đâu là hướng đi phù hợp?

SEA Games có thể giành nhiều HCV. Nhưng, điều mà TTVN cần hướng tới là chúng ta thu lượm được điều gì ở Đại hội thể thao mang dáng dấp của ao làng này? Thậm chí, ngay cả TTVN đứng thứ nhất, thứ nhì SEA Games thì với phong độ hiện tại của những niềm hy vọng lớn nhất, chúng ta cũng khó có thể giành huy chương, chứ nói gì đến vô địch ở các môn thể thao Olympic.

Vậy nên, giới chuyên môn tự hỏi, TTVN sẽ làm gì để có được sự thành công trọn vẹn ở ASIAD trong vài tháng tới? Chúng ta có tiếp tục đầu tư cho các VĐV hàng đầu thông qua chuyến tập huấn nước ngoài? Và, những VĐV vốn không được đầu tư trọng điểm nhưng đã giành được HCV tại SEA Games 27 sẽ được đặt vào diện nào trong chiến lược chuẩn bị cho ASIAD 2014?

Giờ thì người ta đã thấy được không ít hạn chế trong chính sách cử VĐV đi nước ngoài tập huấn. Cách xây dựng mục tiêu, chọn lựa nội dung thi đấu cũng cho thấy nhiều vấn đề. Chính vì thế, để có được một ASIAD thành công thì đòi hỏi, ngay sau SEA Games, bên cạnh việc rà soát, đánh giá một cách công bằng và nghiêm túc về năng lực của các VĐV để có chính sách đầu tư phù hợp thì những nhà hoạch định sách lược của TTVN phải nhìn thẳng vào hạn chế của mình. Nếu không dám đối diện hạn chế, quá tô hồng chiến tích ở SEA Games, thì rất có thể, TTVN sẽ rơi vào kịch bản như tại ASIAD 2012 khi chỉ giành được 1 tấm HCV và biết bao niềm hy vọng đã thất bại một cách thảm hại.