Cụ thể, dầu Brent Biển Bắc giảm 4 xu Mỹ, tương đương 0,1% xuống còn 52,66 USD/thùng sau khi tăng 1,1% lên 52,80 USD/thùng ở phiên giao dịch trước đó.
Dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 3 xu Mỹ xuống mức 49,52 USD/thùng sau khi tăng lên 49,69 USD/thùng trong phiên 9/8.
Thị trường hiện đang hoài nghi về khả năng của Nhóm Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong việc hạn chế nguồn cung dầu như cam kết.
Ric Spooner, nhà phân tích của CMC Markets ở Sydney , nói: "Chúng tôi cho rằng mặc dù đồng USD phục hồi có ảnh hưởng tiêu cực, song thị trường dầu toàn cầu đang có xu hướng đi ngang".
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 9/8 công bố báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô giảm nhiều hơn kỳ vọng trong tuần trước, gợi ý hoạt động lọc hóa đang tăng cao.
Dầu thô tồn kho của Mỹ giảm 6,5 triệu thùng trong tuần tính đến hết ngày 4/8, so với dự báo trước đó là chỉ giảm khoảng 2,7 triệu thùng. Số liệu này ghi nhận tuần giảm thứ sáu liên tiếp của dầu thô tồn kho.
Theo nhà phân tích thị trường Spooner, đây là thông tin tích cực đối với thị trường dầu thế giới trong thời gian tới.
Trong khi đó, dự trữ xăng bất ngờ tăng 3,4 triệu thùng, ngược dự báo trước đó là giảm 1,5 triệu thùng. Sản phẩm chưng cất tồn kho giảm 1,7 triệu thùng, so với dự báo là giảm 131.000 thùng. Dự trữ xăng tăng đã kìm hãm đà tăng của giá dầu.
Báo cáo dầu tôn kho mới nhất từ EIA đã cân bằng những cảm nhận tiêu cực trước đó, khi các nhà đầu tư lo ngại về kết quả từ cuộc gặp mặt của OPEC về vấn đề tuân thủ cam kết giảm sản lượng.
OPEC cùng với Nga và các nước sản xuất dầu mỏ khác đang thực hiện việc cắt giảm sản lượng gần 1,8 triệu thùng/ngày cho đến hết quý I/2018 để giải quyết tình trạng dư cung và đẩy giá lên.