>>> Ý kiến cử tri
Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các
Điều 6 của Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua quy định biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Luật cũng giữ quy định về Danh hiệu công dân danh dự Thủ đô để tặng cho đối tượng là người nước ngoài.
|
Luật Thủ đô được thông qua gồm có 4 chương, 27 điều, quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Trong đó nhấn mạnh, Thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội, việc xây dựng và phát triển phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, bền vững; kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trong vùng Thủ đô và cả nước.
Đồng thuận quản lý nhập cư vào nội thành
Trước khi thông qua tổng thể dự án Luật Thủ đô, với số phiếu đồng thuận cao, Quốc hội đã thông qua Điều 19 dự thảo Luật về quản lý dân cư. Đây là vấn đề được ĐBQH và dư luận xã hội quan tâm.
Luật được thông qua cơ bản giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật Cư trú đối với khu vực ngoại thành; được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành... Chỉ bổ sung điều kiện về thời gian cư trú và chỗ ở đối với một số đối tượng không thuộc các trường hợp nêu trên đăng ký thường trú tại nội thành.
Các đại biểu ấn nút biểu quyết thông qua Luật Thủ đô.Ảnh: Minh Điền
Đồng thời với quy định này, HĐND TP Hà Nội ban hành chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành; phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trong Vùng Thủ đô phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành.
Tán thành cơ chế chính sách đặc thù cho Thủ đô
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, với một số quy định về cơ chế, chính sách cho Thủ đô, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát chỉnh lý lại cho cụ thể và hợp lý hơn, như không đưa vào Luật quy định cho phép Hà Nội thu một số loại phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông. Thay vào đó, quy định các mức thu phí cụ thể, HĐND TP Hà Nội quy định trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật phí và lệ phí. Trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, Luật được thông qua cho phép HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 02 lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong 03 lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng.
Để tạo cơ chế, chính sách về tài chính, Luật quy định Thủ đô được huy động vốn đầu tư trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân và các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật. Dự toán chi ngân sách của Thủ đô được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khác được áp dụng cho các thời kỳ ổn định từ 3 đến 5 năm. Thủ đô được sử dụng các khoản thu ngân sách T.Ư vượt dự toán, trừ các khoản: Thu thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu; chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước; thu không giao Thủ đô quản lý thu, không phát sinh trên địa bàn Thủ đô nhưng hạch toán nộp ở Thủ đô.
Khuê Văn Các, một công trình thể hiện truyền thống ngàn năm văn hiến được chọn là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.Ảnh: Vĩnh Cát
Đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thuỷ lợi do thành phố Hà Nội quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ ngân sách T.Ư cho ngân sách Thủ đô để triển khai thực hiện cho từng dự án.
Quy định chặt chẽ hơn quản lý đô thị
Luật cũng quy định rõ, chặt chẽ hơn loại cơ sở phải di chuyển toàn bộ khỏi nội thành, loại cơ sở bị cấm xây dựng mới, mở rộng quy mô... Bổ sung quy định thiết lập không gian cảnh quan khu vực hai bên bờ sông Hồng trong việc xây dựng, quy hoạch Thủ đô. Bổ sung quy định về việc phát triển văn hóa, các giá trị tinh thần, coi trọng cả văn hóa vật thể và phi vật thể...
Việc cải tạo, chỉnh trang các đường giao thông quan trọng trong nội thành phải được thực hiện đồng bộ với việc cải tạo, chỉnh trang công trình hai bên đường, bảo đảm giữ gìn không gian, kiến trúc đặc trưng của đô thị và phải tổ chức lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư về việc lập quy hoạch đô thị.
Luật đã thể hiện tính đặc thù về quản lý đất đai, hoạch định chính sách phải ở tầm nhìn xa hơn, dài hạn hơn ở Thủ đô; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, giữ được cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của Thủ đô. Theo đó, trong nội thành không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh; không xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở giáo dục ĐH, nghề nghiệp. Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp và lộ trình di dời ra khỏi nội thành hoặc xây mới cơ sở khác ở ngoại thành của một số cơ sở. Đất sau khi di dời được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Luật được thông qua cũng bổ sung quy định để phát triển hệ thống khoa học, công nghệ đồng bộ, huy động tối đa sự tham gia, phối hợp của các tổ chức khoa học công nghệ. Đồng thời, bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Luật cho phép Hà Nội xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao; việc theo học tại các cơ sở này theo nguyên tắc tự nguyện.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Luật đã tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về yêu cầu bảo đảm các quy định phù hợp với quy định của Hiến pháp, làm rõ mối quan hệ giữa Luật Thủ đô với Luật Đô thị và Luật Quy hoạch.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Luật thể hiện rõ tinh thần Hà Nội với cả nước
Luật Thủ đô được thông qua, như vậy đã có cơ sở pháp lý cho Thủ đô phát triển. Trong Luật đã quy định rất rõ cơ chế chính sách đặc thù để đầu tư, bảo vệ, phát triển Thủ đô, để bảo đảm mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp, hiện đại. Trong Luật cũng quy định rất rõ trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành T.Ư trên tinh thần cả nước với Hà Nội, Hà Nội với cả nước. Bây giờ trên cơ sở Luật đó, chính quyền Hà Nội phải tổ chức tuyên truyền, sau đó là thực hiện đồng bộ và quyết liệt. Luật cũng quy định rất rõ định kỳ hàng năm Chính phủ phải có trách nhiệm báo cáo Quốc hội trong vấn đề thực hiện Luật.
|