Sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) áp đăt lệnh trừng phạt vào các mặt hàng than đá và khai khoáng, Rajiv Biswas - Nhà kinh tế trưởng tại IHS Markit, Singapore, dự báo, "suy thoái trầm trọng" sẽ diễn ra trong năm nay khi ngành khai thác mỏ và sản xuất chiếm 1/3 doanh thu của Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Dennis Wilder - Cựu Giám đốc cao cấp về vấn đề châu Á, Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush cho rằng, sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Trung Quốc mới là “tử huyệt”.
“Nếu lệnh cấm vận được áp đặt lên nguồn cung dầu, không quân Triều Tiên không thể vận hành máy bay phản lực và hệ thống điện của họ không thể hoạt động", ông nói thêm.
Bradley Babson, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Triều Tiên tại Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ - Hàn Quốc trả lời hãng Bloomberg cho biết, dầu là điều tối cần thiết cho sự ổn định của nền kinh tế Triều Tiên. "Cả Nga và Trung Quốc trong nhiều thập kỷ đã sử dụng dầu là đòn bẩy quan trọng trong mối quan hệ của họ với Bình Nhưỡng", ông Babson khẳng định.
Các quốc gia khác cũng đã nhận ra điều này. Ngay cả trước khi Triều Tiên kích hoạt quản bom hạt nhân mạnh nhân từ trước đến nay hồi cuối tuần qua, Nhật Bản đã kêu gọi động thái cắt nguồn cung dầu.
Một lệnh cấm vận liên quan đến dầu mỏ có thể sẽ được đưa ra khi cộng đồng quốc tế bàn bạc cách đáp trả vụ thử hạt nhân, khi Hội đồng Bảo an LHQ có cuộc họp.
“Một lệnh cấm vận tạm thời hoặc cấm vận một phần có thể có khả năng nhưng Bắc Kinh chắc chắn sẽ từ chối việc cắt xuất khẩu dầu vĩnh viễn đến Bình Nhưỡng”, Shi Yinhong - một cố vấn nội các và giáo sư quan hệ quốc tế tại trường Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nhận định.
Bắc Kinh luôn tránh tạo nguy hiểm cho Bình Nhưỡng bởi lo ngại, bất ổn ở bán đảo Triều Tiên có thể giúp Mỹ tạo ảnh hưởng lớn hơn ở quốc gia sát gần biên giới.
Tuy nhiên, quan hệ 2 nước đã có phần nguội lạnh, với các phương tiện truyền thông nhà nước đôi khi “gây hấn”. Quyết định thử hạt nhân của Triều Tiên diễn ra đúng vào dịp Trung Quốc đang diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Trung Quốc cung cấp hầu hết lượng dầu thô của Triều Tiên, nhưng Trung Quốc không báo cáo bất kỳ số liệu chính thức nào từ năm 2013. Các sản phẩm dầu được vận chuyển đến cảng Nampo, gần thủ đô Bình Nhưỡng, trong khi dầu thô được gửi qua đường ống từ thành phố biên giới Trung Quốc Đan Đông, theo hãng tin Reuters.
Nhưng ngay cả khi Trung Quốc đã đồng ý cấm tất cả các nguồn cung cấp dầu, Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ có các kho dự trữ để duy trì hoạt động quan trọng trong nhiều tháng và kiếm nguồn thu cho các chương trình vũ khí của nước này từ các mặt hàng xuất khẩu chưa được áp đặt lệnh trừng phạt, ông Rajiv Biswas cho biết trong.
Các nhà kinh tế tại Citigroup cho biết, vụ thử hạt nhân lần này có thể là "ranh giới đỏ" đủ để Trung Quốc và Nga có thêm các biện pháp trừng phạt, bao gồm hạn chế xuất khẩu dầu và năng lượng. Nhưng vẫn không có gì chắc chắn về một lệnh cấm vận hoàn toàn.