Tại buổi làm việc với các nhà đầu tư và các đơn vị liên quan vào ngày hôm qua (28/11), Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu đến 1/1/2017, phải tiến hành bỏ Trạm thu phí Đại Xuyên để tạo thuận lợi tối đa cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Tại buổi làm việc, ông Mai Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) cho biết, thống kê của VEC, từ năm 2011 đến nay tại trạm này đã ùn tắc khoảng 150 lần, nhất là vào các ngày cao điểm như lễ, Tết, tình trạng này càng trầm trọng. Khi tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ đi vào hoạt động ùn tắc càng tăng, có thời điểm ùn tắc lên đến 3km. “Tuyến cao tốc chưa đầy 100km mà có liên tiếp hai trạm thu phí chính là không cần thiết, cần bỏ Trạm thu phí Đại Xuyên để phương tiện đi nhanh, hiệu quả hơn”, ông Tuấn Anh nói.
Khẳng định có thể bỏ được Trạm thu phí Đại Xuyên, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (Công ty BOT) cho rằng, khó khăn nhất là sự khác nhau về mặt công nghệ thu phí của BOT và VEC, công nghệ của VEC đang lạc hậu hơn của BOT, gây khó cho việc thực hiện.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN vẫn kiên quyết đề xuất bỏ trạm thu phí này. VEC và Công ty BOT cần thành lập một công ty tổ chức thu phí trên cả tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình. Quy chế hoạt động, lãnh đạo của công ty này sẽ do HĐQT của VEC và BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ quyết định.
“Hệ thống thu phí của VEC và Công ty BOT do Công ty CP phần mềm tự động hóa điều khiển (Công ty Cadpro) thực hiện, do đó sẽ giao cho đơn vị này xây dựng phương án kỹ thuật thu phí chung trên toàn tuyến theo hướng thống nhất dùng 1 loại vé điện tử, không dùng vé giấy thông thường như hiện nay. Trên cơ sở này, công ty thu phí chung sẽ xây dựng quy trình tổ chức thu phí toàn tuyến và thực hiện phân chia doanh thu thu phí cho VEC và Công ty BOT”, ông Huyện đề xuất.
Ở góc độ khác, ông Dương Viết Roãn, Phó cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho rằng, phần mềm thu phí hiện tại đã có thể sử dụng được, bây giờ chỉ cần bổ sung vào phần mềm thu vé tháng, vé quý. Phần mềm của VEC có thể áp dụng cho BOT.
“Tốt nhất nên thuê một đơn vị độc lập để thu phí và hai nhà đầu tư VEC và BOT sẽ giám sát. Sớm muộn cũng phải thuê một đơn vị thu phí độc lập vì theo quyết định của Thủ tướng chậm nhất tháng 1/2019 phải bàn giao công tác thu phí lại cho đơn vị dịch vụ thu phí. Nếu làm trước thì dân được lợi và bản thân nhà đầu tư cũng không lúng túng”, ông Roãn nói.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, việc thực hiện bỏ Trạm thu phí Đại Xuyên đã được tổ chức họp nhiều lần. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được. Vì vậy, cần phê bình hai nhà đầu tư chưa quyết tâm thực hiện. Về vấn đề công nghệ thu phí, Thứ trưởng Trường cho rằng, Công ty Cadpro cần đưa ra một phương án thu phí chuẩn. Từ 1/1/2017, cần phải bỏ trạm thu phí này.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định: Đến 1/1/2017, phải tiến hành bỏ trạm thu phí Đại Xuyên. Để việc dừng thu phí tại trạm thu phí này đúng tiến độ, Bộ trưởng yêu cầu hai nhà đầu tư VEC và BOT cần nhanh chóng bàn bạc thống nhất phương án. Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu trong vòng 1 tuần Công ty Cadpro phải trình bày công nghệ về quy trình tổ chức thu phí toàn tuyến và thực hiện phân chia doanh thu thu phí trên toàn tuyến.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, quan trọng nhất là việc phân chia doanh thu có chuẩn mực hay không và phần mềm có giải quyết được việc này? “Các đơn vị đều thể hiện quyết tâm là có thể làm được, chỉ lo thiếu minh bạch. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là phải minh bạch trong thu phí và tạo điều kiện cho phương tiện tham gia giao thông”, Bộ trưởng nói và yêu cầu, trước mắt các đơn vị cần tập trung thực hiện quyết toán hai trạm thu phí của nhà đầu tư, phải có báo cáo từng tuần về tiến độ triển khai. Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ VN có trách nhiệm trực tiếp triển khai việc này và phải xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện...