Kinhtedothi - Là đơn vị tác chiến, luôn có mặt trong các tình huống khẩn cấp hay các sự kiện quan trọng của TP, Đại đội Cảnh sát cơ động - đặc nhiệm (CSCĐ - ĐN) được ví là “cú đấm thép” của lực lượng Công an TP Hà Nội. Trong tiết trời của những ngày đầu xuân năm mới Ất Mùi, chúng tôi đã đến xông đất Đại đội CSCĐ - ĐN, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Hà Nội và được chứng kiến một buổi tập luyện của các chiến sĩ tại đây.
Đón chúng tôi tại thao trường của Đại đội CSCĐ - ĐN là Thiếu tá Ngô Quang Hải - Phó Đại đội trưởng Đại đội CSCĐ - ĐN. Ở đây, trừ những chiến sĩ mới lập gia đình hay gia đình neo người thì mới được ưu tiên về ăn Tết cùng gia đình tối 30 Tết, còn lại các chiến sĩ đều phải có mặt tại đơn vị. Vì thế, các chiến sĩ trở lại tập luyện từ khá sớm.
Thiếu tá Ngô Quang Hải chia sẻ, Đại đội CSCĐ - ĐN là lực lượng tác chiến chính trong các nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin, khống chế các đối tượng manh động. Vì vậy, yêu cầu đối với các chiến sĩ thuộc Đại đội CSCĐ - ĐN là phải có bản lĩnh, sức khỏe và được đào tạo thật chu đáo về các kỹ năng tác chiến. Với một chiến sĩ đặc nhiệm, khi tham gia tác chiến trong các trường hợp không chỉ đòi hỏi từng kỹ năng riêng lẻ mà phải có các kỹ năng tổng hợp như xuống dây, lên sào, ngắm - bắn tỉa, tiếp cận mục tiêu kín, khống chế đối tượng… thật linh hoạt để khi có tình huống khẩn cấp có thể xử lý thật hiệu quả.
Thiếu tá Ngô Quang Hải cũng “bật mí”, thực ra, không phải chiến sĩ nào cũng đảm bảo hoàn thành xuất sắc tất cả các kỹ năng mà tùy theo sức khỏe và đặc điểm ngoại hình của mỗi người mà phù hợp với từng nhiệm vụ nhất định. Đơn cử như các kỹ năng cần sự linh hoạt như xuống dây, lên sào thì những chiến sĩ có ngoại hình nhỏ sẽ có lợi thế hơn; ngược lại, với kỹ năng khống chế, bắt giữ đối tượng thì lại đòi hỏi các chiến sĩ đặc nhiệm mạnh mẽ, sức khỏe tốt, hay với kỹ năng bắn tỉa thì lại cần tầm mắt tốt… Tuy thế, việc rèn luyện đầy đủ, tổng hợp các kỹ năng đối với các chiến sĩ là vô cùng quan trọng. Thông thường, trong một tuần, Đại đội CSCĐ - ĐN có 3 buổi tập võ thuật, kỹ - chiến thuật tác chiến và từ 2 - 3 buổi tập luyện các kỹ năng cao hơn của lính đặc nhiệm như tiếp cận mục tiêu kín (không quan sát được đối tượng), tụt dây, lên sào…
Thiếu tá Ngô Quang Hải cũng ví von, tại thao trường, việc đảm bảo kỷ luật là “xương sống” của đơn vị để mỗi buổi tập luyện được tổ chức tốt, theo đúng yêu cầu, nghiêm túc và hiệu quả. Bởi nếu trong khi tập luyện mà không giữ được kỷ luật, tuân theo các nguyên tắc thì khi ra tác chiến tại thực địa, chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể gây ra ảnh hưởng lớn đến kết quả của kế hoạch tác chiến, cũng như tính mạng của con tin và đồng đội.
Chưa kịp dứt cuộc nói chuyện thì đã đến giờ tập luyện kỹ, chiến thuật của các chiến sĩ. Quả thật, tại thao trường, kỷ luật tập luyện luôn được đặt lên hàng đầu. Chỉ cần một tiếng còi hiệu lệnh, toàn bộ hàng ngũ đã quần áo chỉnh tề đứng theo đội hình 4 hàng ngang để bắt đầu luyện tập. Đầu tiên là những bài tập khởi động, sau đó đội hình chia thành 2 hàng ngang song song để luyện tập đối kháng. Cùng với mỗi hiệu lệnh được phát ra là những tiếng hô đanh thép cùng những cú đấm, đá mạnh mẽ được tung ra. Có xem lính đặc nhiệm luyện tập mới thấy được sự gian khổ, vất vả và cả nguy hiểm. Từ leo dây, nhảy qua vòng lửa đến khống chế đối tượng đông người, có vũ khí nóng… Các đối tượng mà các chiến sĩ gặp phải từ những cuộc truy bắt kẻ đâm thuê chém mướn, băng nhóm tội phạm hình sự cộm cán gây nhức nhối cho xã hội. Hơn ai hết họ hiểu rằng, đổ mồ hôi trên thao trường để chiến trường bớt đổ máu.
Một buổi tập luyện kỹ năng võ thuật của các chiến sĩ Đại đội Cảnh sát cơ động - đặc nhiệm. Ảnh: Công Hùng
|