Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Bảng hy vọng, sau một loạt các giải pháp quyết liệt của Chính phủ và NHNN, giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 16/2013/QĐ-TTg về việc mua, bán vàng miếng trên thị trường. Liệu các giải pháp này có bình ổn được thị trường vàng, đặc biệt là kéo gần khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới không, thưa ông?
- Tôi tin, sau việc Thủ tướng Chính phủ ra quyết định và buộc NHNN phải vào cuộc quyết liệt thị trường vàng sẽ ổn định hơn. Vì trước đây, chúng ta thực hiện các giải pháp lẻ, không đồng bộ nên hiệu quả chưa được như mong muốn.
Điểm giao dịch vàng SJC. Ảnh: Trần Việt
Chủ trương đã có, quan trọng là chờ xem phản ứng thị trường thế nào. Trước đây, khi NHNN tuyên bố, đưa vàng miếng về độc quyền Nhà nước, mức chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới tăng lên. Nguyên nhân, là do khi đó mới chỉ là tuyên bố mà chưa có giải pháp thực hiện cụ thể nên giá mới tăng vọt như vậy. Nhưng khi thị trường chỉ còn lại thương hiệu vàng của NHNN, mạng lưới kinh doanh mua bán vàng miếng được thu hẹp và NHNN chính thức tham gia vào thị trường vàng miếng, là người mua bán cuối cùng chắc chắn kết quả sẽ khác. Chúng ta có thể hy vọng vào sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới sau sự vào cuộc quyết liệt của NHNN.
Vậy theo ông, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức nào thì được coi là phù hợp?
- Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã cho rằng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 400.000 - 500.000 đồng/lượng là không có đầu cơ. Theo quan điểm cá nhân tôi thì con số này không nên là con số cứng. Tùy thuộc vào tình hình thị trường, mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ... chênh lệch sẽ biến động theo. Tất nhiên, là mức chênh lệch phù hợp và chấp nhận được.
NHNN là người mua bán cuối cùng, là người quyết định giá trong các phiên đấu thầu với ngân hàng, doanh nghiệp. Câu chuyện "thông thầu" liệu có xảy ra và làm sao để hạn chế, thưa ông?
- Việc đấu thầu là một cách để NHNN minh bạch thị trường. Bởi vậy, về mặt chính sách, cần rõ ràng, công khai. Hy vọng trong đấu thầu vàng, NHNN sẽ giữ được nguyên tắc nhất định để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa ba bên là Nhà nước, DN mua bán vàng và người dân.
Còn về hệ thống văn bản pháp quy, sau Quyết định 16/2013/QĐ- TTg sẽ có các văn bản hướng dẫn sau đó. Vì chưa có văn bản hướng dẫn nên chưa thể đánh giá được. Thực tế, thời gian qua, thị trường vàng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tâm lý, lòng tin của người dân vào các chính sách. Việc định hướng chính sách của NHNN đã bước đầu đưa giá trong nước thu hẹp khoảng cách với giá thế giới. Nếu NHNN tiếp tục củng cố lòng tin, đảm bảo minh bạch, chắc chắn thị trường sẽ ổn định về lâu dài.
Việc NHNN bán vàng ra bình ổn khi cần thiết liệu có gia tăng tình trạng mua bán vàng vật chất không, thưa ông?
- Trước đây, tôi đã từng kiến nghị, bên cạnh việc quản lý thị trường vàng vật chất (vàng miếng), NHNN nên mở thêm các kênh đầu tư khác như phát hành chứng chỉ vàng, đầu tư vàng qua tài khoản để làm giảm việc mua bán vàng vật chất như hiện nay. Vì không có phương thức kinh doanh nào ngoài mua bán vàng vật chất nên người dân mới tập trung vào mua bán vàng miếng như hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 5/3, tại trụ sở NHNN đã diễn ra buổi đấu thầu thử nghiệm mua bán vàng miếng giữa NHNN và các tổ chức tín dụng, cùng với các DN được phép kinh doanh vàng miếng. Phiên đấu thầu thử nghiệm được tổ chức với 35 đơn vị tham gia. Loại vàng được đấu thấu là vàng miếng SJC 1 lượng 99,99%. Số lượng vàng bán ra là 51.200 lượng. Số DN trúng thầu là 15 DN, giá trúng thầu cao nhất là 47 triệu đồng/lượng, thấp nhất là 46,2 triệu đồng/lượng. |