Đấu thầu qua mạng: Không bắt buộc khó đạt mục tiêu

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo công tác đấu thầu năm 2018 sơ bộ của các tập đoàn, tổng công ty, DN Nhà nước (DNNN) cho thấy, hầu hết khối DN này không có nhiều dự án đầu tư mới; ít gói thầu được lựa chọn qua mạng (ĐTQM).

Hoạt động đấu thầu qua mạng vẫn chưa phổ biến tại nhiều doanh nghiệp.
Hạn chế về nghiệp vụ?
Tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) - năm 2017 thực hiện khoảng 320 gói thầu nhưng chủ yếu áp dụng theo hình thức đấu thầu truyền thống. Sang năm 2018 cũng không khá hơn, khi tổng số 209 gói thầu thì chỉ có 1 gói thầu Vinachem lựa chọn nhà thầu qua mạng. “Lý do là tại các đơn vị thành viên còn hạn chế về nghiệp vụ triển khai ĐTQM” - đại diện Vinachem khẳng định.
ĐTQM trên thế giới đã áp dụng nhiều. Đơn cử như Hàn Quốc có tới trên 90% gói thầu đã triển khai. Tất cả các quốc gia thực hiện ĐTQM đều bắt đầu từ những bước đi rất khó khăn, sau đó điều chỉnh dần để thích ứng. Có thể nói, ĐTQM là công cụ hữu hiệu nhất để tăng cường hiệu quả mua sắm công của Chính phủ.

Chuyên gia cấp cao về đấu thầu của Ngân hàng Thế giới (WB) Adu Gyamfi Abunyewa

Các Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1)… tình hình cũng không mấy sáng sủa. Thậm chí Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) chưa có đề án hay kế hoạch mang tính đột phá nào để đẩy mạnh ĐTQM, mà vẫn là chỉ đạo các đơn vị thành viên đẩy mạnh và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đấu thầu. Còn tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, 92 gói thầu thực hiện trong năm đều không có gói nào lựa chọn nhà thầu qua mạng. Khá nhất là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), năm 2018 TKV đã lựa chọn nhà thầu thực hiện 41/2.513 gói thầu qua mạng, với tổng giá gói thầu là gần 80 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là hơn 72 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm đạt 8,8%.

Tích cực nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với hơn 7.400 gói thầu thực hiện thành công. “Trong năm 2018, bên cạnh các đại diện từng tham gia giai đoạn thí điểm của Tập đoàn là Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia thì có sự tham gia của các ban quản lý dự án, các tổng công ty, các công ty thủy điện, công ty nhiệt điện…” - Báo cáo của EVN nhấn mạnh.

Mới đạt 20% số gói thầu

Lợi ích của ĐTQM là bảo đảm bí mật hồ sơ thầu nhằm loại bỏ tình trạng thông thầu, "quân xanh, quân đỏ". Theo đó, thông tin nhà thầu tham gia đến trước thời điểm mở thầu được giữ bí mật. Từ đó tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả nhà thầu khi tham gia ĐTQM. Ngoài ra, ĐTQM còn góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính.

Phương thức ĐTQM đã được triển khai thí điểm từ năm 2009 và chính thức triển khai tại Việt Nam từ năm 2016. Nhìn lại lộ trình ĐTQM cho thấy, vẫn còn nhiều khó khăn, nan giải. Hiện mới có khoảng 20% số gói thầu được tổ chức ĐTQM, còn kém xa so với mục tiêu của Chính phủ tới năm 2025, có ít nhất 70% số gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; 100% hoạt động mua sắm thường xuyên được thực hiện, áp dụng mua sắm tập trung trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Trì hoãn vì sợ minh bạch

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) Nguyễn Anh Tuấn, việc tổ chức một cuộc ĐTQM không có gì là khó khăn nếu người lãnh đạo thực sự quyết tâm”. Còn Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Nguyễn Đăng Trương cho biết, xây dựng hệ sinh thái cho ĐTQM dựa trên ba trụ cột là: Hạ tầng kỹ thuật, khuôn khổ pháp lý và các đơn vị tham gia. Hiện nay hạ tầng kỹ thuật và khuôn khổ pháp lý đã có nhưng các đơn vị lại không chịu tham gia.

Ngay tại Bộ GTVT - nơi hàng năm tiêu tốn một lượng lớn ngân sách cho các công trình hạ tầng thì theo lời một cán bộ lãnh đạo: “Anh em tâm tư cũng có thể là do họ chưa quen với hình thức đấu thầu mới này. Ngoài ra, cũng phải thẳng thắn với nhau rằng, nếu làm qua mạng thì quyền lực của chủ đầu tư chắc chắn giảm đi do không thể can dự hoặc gây ảnh hưởng tới kết quả đấu thầu”.

Theo một chuyên gia đấu thầu, khi triển khai cách thức đấu thầu này, đơn vị tổ chức thầu thường lấy lý do nghẽn mạng hay không có người am hiểu công nghệ thông tin để trì hoãn việc ĐTQM. Họ không muốn ĐTQM vì đụng chạm đến quyền lợi và lợi ích của người tổ chức đấu thầu. Việc nhà thầu phải đến gặp, trao đổi với đơn vị tổ chức dễ dẫn đến tiêu cực. Các chuyên gia cho rằng, để ĐTQM trở nên phổ biến, rất cần sự quyết tâm mạnh mẽ từ Chính phủ "vì nếu không bị bắt buộc thì không ai dại gì mà làm". Giải pháp để thực hiện lộ trình ĐTQM là gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với hiệu quả thực hiện ĐTQM. Việc đánh giá phải được thực hiện thường xuyên hàng năm và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm lộ trình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần