Tuy nhiên, bên cạnh những sáng kiến chất lượng vẫn còn nhiều biện pháp khó khả thi, gây nghi ngại trong dư luận xã hội.
Tránh nặng tìm nhẹ?
Mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đưa ra một đề xuất khiến cư dân đô thị giật mình là cấp hạn ngạch mua ô tô cá nhân, thông qua hình thức đấu thầu quyền mua.
Đề xuất này từng được đưa ra vào năm 2012, nhưng nhanh chóng bị vùi dập trong sự bất bình của dư luận (lúc đó người dân chỉ bất bình chứ chưa giật mình). Năm 2016, khi hệ thống hạ tầng giao thông đã ngốn hàng trăm nghìn tỷ đồng mà vẫn quá tải thì cái đề xuất “khó hiểu” đó mới thực sự khiến người ta giật mình. Chẳng lẽ các nhà quy hoạch, quản lý giao thông, sau khi tiêu tốn cả núi tiền lại đã thực sự bó tay quy hàng nạn UTGT (?). Hay UTGT là do người dân, tội lỗi của những người “chẳng may” lại đủ tiền mua ô tô riêng để sử dụng, trong khi quy hoạch giao thông manh mún, rời rạc, thiếu đồng bộ với quy hoạch chung về dân cư và sự phát triển của đô thị.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì tập trung sức lực tìm các biện pháp phát triển hạ tầng, cân đối mật độ dân cư nội - ngoại thành các đô thị lớn, nâng cao năng lực vận tải công cộng, Bộ GTVT lại cứ nhè quyền lợi của người dân mà “tính toán”. Một cán bộ vận tải lâu năm tỏ ra nghi ngại: “Phải chăng Bộ GTVT đang tránh nặng tìm nhẹ để nhanh chóng đạt thành tích trong lĩnh vực công tác của mình”. Anh Trần Văn Quang (Mê Linh) bức xúc: “Nếu cấm được thì Bộ GTVT nên cấm hết người dân mua các loại xe cơ giới một lần đi cho xong”.
Thực vậy, không thể đánh đồng việc tác động đến quyết định mua ô tô cá nhân và cấm đoán quyền hợp pháp của người dân. Tăng các loại thuế phí sẽ khiến người dân phải xem xét nghiêm túc, chi li hơn khi muốn mua ô tô, nhưng tước đi quyền mua và sử dụng của họ dù dưới bất cứ hình thức nào cũng là vi phạm thô bạo quyền tự do của mỗi con người. Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, TS Nguyễn Xuân Thủy nói: “Việc hạn chế phương tiện cá nhân không thể áp dụng các biện pháp mang tính cưỡng bức, bắt ép, mà phải là các biện pháp để người dân tự nguyện”.
Nếu Bộ GTVT có cái nhìn toàn diện hơn vào mạng lưới phương tiện giao thông cá nhân sẽ thấy, ô tô chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với xe máy; mức độ vi phạm luật giao thông, lượng khí thải làm ô nhiễm môi trường của xe máy cũng cao hơn hẳn ô tô. Trong khi xã hội ngày càng tiến bộ, hiện đại hơn, việc thay thế dần xe máy bằng ô tô và phương tiện vận tải công cộng là tất yếu thì đề xuất đấu thầu quyền sở hữu ô tô phải chăng sẽ kéo lùi sự phát triển chung, buộc người dân tiếp tục sử dụng xe máy bất chấp những hệ lụy nó mang lại lâu nay (?). Đó là còn chưa kể đến những tiêu cực chắc hẳn sẽ phát sinh phức tạp nếu người dân bị “cấm đoán” sở hữu ô tô; hay những thiệt hại khôn lường về kinh tế khi mặt hàng xa xỉ này rơi vào tình trạng ế ẩm, khó lưu thông.
Đừng thúc ép người dân
Trước tiên nên hiểu rõ, hạn chế phương tiện cá nhân là sách lược cần thực thi trong các đô thị lớn, đặc biệt là khu vực nội thành đông dân cư. Muốn làm được điều đó, cơ quan chức năng cần hoàn thành nhiệm vụ quan trọng nhất là: Nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng.
Giám đốc Trung tâm Quản lý & Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, TS Nguyễn Hoàng Hải khẳng định: “Nếu xe buýt, đường sắt đô thị đủ năng lực phục vụ (cả về quy mô lẫn chất lượng) thì không cần thúc ép, người dân cũng tự hạn chế sở hữu ô tô”. Một trong những biện pháp quan trọng nhất để giảm thiểu UTGT đô thị là phân bố lại mật độ dân cư cho đồng đều giữa nội - ngoại thành. Muốn phân bố đồng đều thì phải di chuyển các trường học, bệnh viện, các cơ sở kinh doanh ra ngoại thành; trong khi mạng lưới đường sắt, xe buýt chưa đáp ứng được vai trò kết nối các khu vực thì việc hạn chế ô tô cá nhân sẽ đặt ra thêm thách thức cho người dân. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nói: “Việc hạn chế xe cá nhân là cần thiết nhưng để thực hiện được trước tiên cần có nền tảng vận tải công cộng phù hợp, giải quyết được nhu cầu của dân. Chưa có hình thức thay thế mà đã cấm xe máy, cấm ô tô thì người dân đi bằng gì?”.
Trên thực tế, vấn nạn UTGT không chỉ do hạ tầng yếu kém, một nguyên nhân chính khác nữa là ý thức của người điều khiển phương tiện, tham gia giao thông bất kể là xe máy, ô tô hay xe đạp. Muốn nâng cao ý thức người dân, bên cạnh công tác tuyên truyền còn cần phải có những quy định nghiêm ngặt khi tham gia giao thông. Bộ GTVT vừa cho nới vận tốc xe cơ giới trên cả đường cao tốc lẫn trong đô thị và lý giải rằng năng lực đáp ứng của đường sá đã phù hợp để cho phép đi nhanh hơn. Anh Trần Tuấn Chỉnh (Thanh Oai) đặt câu hỏi: “Nếu đã đủ năng lực đáp ứng thì cần gì phải cấm cản người dân sở hữu xe riêng? Thay vì cấm sở hữu xe, cơ quan chức năng cần kiểm soát tốt hơn ý thức chấp hành luật giao thông của người điều khiển phương tiện”. Muốn giải quyết UTGT cần thực hiện tốt, đồng bộ cả 2 nhóm giải pháp chính là: Phát triển hạ tầng và nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng. Thế nhưng, đường sá thì đang không đáp được nhu cầu đi lại, kể cả các tuyến cao tốc BOT được Bộ GTVT “cưng chiều” nhất, gây tốn kém cho người dân nhất vẫn xuất hiện UTGT; nhiều công trình được mong đợi như đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông lại “đắp chiếu chờ thời”.
Phải chăng sự bất lực trong phát triển hạ tầng, vận tải công cộng đã dồn Bộ GTVT đến mức phải “tính ẩu”. Không chỉ bên bán mà cả bên mua ô tô, không chỉ người dân thường mà cả các chuyên gia giao thông đều đang đặt ra nhiều nghi ngại, bất đồng với đề xuất đấu thầu quyền mua ô tô của Bộ GTVT. Luật sư Hoàng Đạo nói: “Nếu đề xuất này được áp dụng vào thực tế sẽ xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, thậm chí còn có thể bị xem xét như một hành động vi hiến”.
Phương tiện ô tô cá nhân tại các thành phố lớn gia tăng mạnh trong những năm gần đây. Ảnh: Chiến Công
|
Việc lập đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết, nhưng phải có lộ trình, không thể nóng vội được. Triển khai cấm phương tiện cá nhân khi hệ thống giao thông còn nhiều hạn chế là không khả quan. Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Theo tôi đây là một chủ trương không hợp lý. Do giao thông công cộng phát triển chậm quá nên gây ra ùn tắc chứ có phải do phương tiện đâu. Bây giờ không cho người dân mua ô tô tức là đang hạn chế sự phát triển tất yếu của nền kinh tế. TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT |